Chính sách mở cửa của Việt Nam thu hút doanh nghiệp Đức Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp đoàn doanh nghiệp Đức |
Theo Kết quả khảo sát doanh nghiệp Đức tại Việt Nam được thực hiện bởi Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), công bố ngày 6/7/2023, có tới 91% các nhà đầu tư Đức có mong muốn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và khoảng 40 % trong số họ có kế hoạch bổ sung lực lượng lao động trong 12 tháng tới.
Khảo sát cho thấy, nhờ việc triển khai nhanh chóng các kế hoạch hành động của Chính phủ và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực. Từ đó các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam lạc quan hơn so với kỳ mùa thu năm 2022, mặc dù trong ngắn hạn, họ vẫn còn thận trọng do những thách thức địa chính trị như lạm phát, xu hướng tách rời sự phụ thuộc của các nền kinh tế lớn và sự ảnh hưởng chính trị ngày ngày càng gia tăng lên đến chuỗi cung ứng.
Đáng chú ý, 88 % số người tham gia khảo sát tự tin với tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam (hài lòng và tốt) và gần một nửa số doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục ổn định, trong khi 21 % trong số họ tin tưởng tình hình sẽ cải thiện.
Khảo sát cũng cho biết sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố bao gồm các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam), việc triển khai chiến lược “Trung Quốc +1”, xu hướng toàn cầu về dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất đến các trung tâm sản xuất có tính cạnh tranh cao tại Đông Nam Á và dòng vốn đầu tư xanh. Cụ thể, có 57% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, tiếp theo là Malaysia và Thái Lan.
Mặc dù vậy các nhà đầu tư Đức vẫn thận trọng trong những dự định ngắn hạn do rủi ro đến từ những biến động kinh tế toàn cầu gây ra như: nhu cầu toàn cầu thấp (51%), quan ngại về chính sách phát triển kinh tế (46%), thiếu hụt lao động có tay nghề (34%) và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng (28%). Thêm vào đó là những thách thức địa chính trị dài hạn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đặc biệt trong lạm phát/ chính sách tiền tệ (41%), sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu (41%) và sự gia tăng ảnh hưởng chính trị đối với chuỗi cung ứng (40%).
Từ các thực tế trên, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) đã đề xuất những lĩnh vực trọng tâm để tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tiềm năng như Việt Nam gồm: Cùng hợp tác và nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề bằng cách trang bị cho người lao động các kỹ năng theo tiêu chuẩn của Đức, tận dụng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số.
Ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp địa phương để duy trì vai trò của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và của Đức, đồng thời tuân thủ các quy định về phát triển bền vững như ESG và Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức.
Khuyến nghị cụ thể hóa và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII để khuyến khích sản xuất điện tái tạo.
Đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính để tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
Được biết, 36,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát tới từ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; 27,3% từ lĩnh vực dịch vụ; 18,2% từ các công ty thương mại và 18,2% còn lại tới từ các lĩnh vực khác. Các công ty nhỏ với quy mô ít hơn 100 nhân viên chiếm 41%; 36% doanh nghiệp tới từ quy mô 100 đến 1.000 người và 23% là các công ty lớn với số lượng hơn 1.000 nhân viên trên toàn thế giới. |