Sản xuất xanh: Góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu lý do đầu tư chuyển đổi xanh còn khiêm tốn |
Chia sẻ tại lễ khai mạc Diễn đàn xuất khẩu với chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" sáng nay 13/9, ông Hoàng Vệ Dũng - Chủ tịch Tổng công ty Đức Giang cho hay, hiện nay, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và là một trong những trọng tâm được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới vì sự phát triển bền vững, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.
Theo ông Dũng, cho đến nay, việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững vẫn luôn là mối quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới. Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách, quy định và các chương trình cụ thể về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trên thế giới, những khu vực đi đầu trong phát triển xanh và bền vững là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), trong đó Thỏa thuận xanh châu Âu - là một kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung hòa carbon vào năm 2050, cũng là một chiến lược để phát triển.
Bên cạnh đó, EU cũng mới đề xuất Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - cơ chế này sẽ đặt giá carbon đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo rằng việc giảm phát thải của châu Âu góp phần giảm phát thải trên toàn cầu. Với chiến lược về dệt may bền vững, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo là thiết kế sinh thái và quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng phải đảm bảo là tiêu dùng bền vững.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023 |
Cùng với đó, nhằm đáp ứng với xu thế phát triển chung của thế giới, trong Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố cam kết hướng tới mục tiêu trung hòa phát thải carbon vào năm 2050 của Việt Nam, đưa Việt Nam sánh ngang với nhiều quốc gia khác cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này.
Thực hiện chiến lược phát triển ngành Dệt may Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 của Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Vệ Dũng cho biết: "Tổng công ty Đức Giang đã và đang tích cực chuẩn bị cho sự phát triển dài hạn; trong đó, mục tiêu đề ra là đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu của các đối tác về việc sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường".
Trong bối cảnh đó, ở cấp độ doanh nghiệp - hạt nhân của nền kinh tế, Tổng công ty Đức Giang, từ nhiều năm trước đã xây dựng lộ trình chuyển đổi mạnh mẽ về thiết kế theo xu thế thời đại, xu thế sản xuất xanh, tìm kiếm và thành lập chuỗi cung ứng mới.
"Điều này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tiêu chí thời trang, tái tạo và giảm phát thải, mà còn giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, đồng thời có thể tăng thị phần và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng" - ông Dũng cho hay và nhấn mạnh, đối với Tổng công ty Đức Giang, việc chuyển đổi sang sản xuất tuần hoàn chính là quá trình xanh hóa sản xuất, gắn với phát triển bền vững.
Nhằm nhấn mạnh vào việc tiết kiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải carbon thông qua các lĩnh vực như xử lý chất thải và nước thải, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng nguyên liệu tái chế và đẩy mạnh các giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường, thời gian qua, Tổng công ty Đức Giang đã đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng trong việc chuyển đổi sang sản xuất tuần hoàn.
Một là, Tổng công ty Đức Giang hiện nay đã và đang thực hiện các sáng kiến cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh như tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5-10%, hạn chế tối đa sử dụng tài liệu bằng giấy trong các cuộc họp, không sử dụng chai và bao bì nhựa,… Đây là một phần trong nỗ lực giảm thiểu carbon của doanh nghiệp.
Hai là, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo; Ba là, doanh nghiệp đang tập trung tìm kiếm và ưu tiên sử dụng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu có chứng nhận bền vững; Bốn là, Tổng công ty Đức Giang đã tập trung vào việc chuyển đổi thiết kế theo xu hướng thời đại. Với sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo (VR), công nghệ làm mẫu 3D, phát triển các mẫu sản phẩm mới nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm nhân, vật lực, thời gian hơn.
"Điều này giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu thay đổi của khách hàng và thị trường. Đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình tạo mẫu, giảm thiểu việc sử dụng nguyên phụ liệu may mẫu" - ông Hoàng Vệ Dũng thông tin.
Đặc biệt, Tổng công ty Đức Giang đã và đang tìm kiếm và thành lập các chuỗi cung ứng mới đáp ứng các tiêu chuẩn thời trang, tái tạo và giảm phát thải. Đối với mảng thời trang nội địa của doanh nghiệp đã áp dụng các chương trình thu hồi quần áo đã qua sử dụng nhằm khuyến khích khách hàng trả lại quần áo cũ để tái chế, nhờ đó giảm lãng phí; triển khai các chiến dịch marketing nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm tái chế, nguồn nguyên liệu bền vững nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của thời trang bền vững và áp dụng tuần hoàn có thể khuyến khích khách hàng tiêu dùng có trách nhiệm.
Song song với đó, Tổng công ty Đức Giang đang phối hợp với các tổ chức đào tạo có uy tín nhằm nâng cao hiểu biết của nhân viên về sản xuất xanh, sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn và khuyến khích các ý tưởng mới.
Tuy nhiên, điều này vẫn còn đầy thách thức đối với nhiều doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam vì nguồn tài chính còn hạn chế. Để thực sự trở thành chuỗi cung ứng sản xuất xanh, việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh ở Việt Nam còn chưa nhiều. Bởi lẽ các loại vải từ nguyên liệu xanh, thân thiện môi trường thường có nguồn gốc tự nhiên, nên cần công nghệ xử lý tiên tiến để đảm bảo giữ được các tính năng vốn có của sợi. Ngoài ra, việc đầu tư ứng dụng năng lượng tái tạo, quản lý xử lý nước thải sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên không nhỏ.
Chính vì vậy, thông qua sự kiện Diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” và Viet Nam International Sourcing Expo 2023 lần này, doanh nghiệp mong muốn các đối tác, bạn hàng, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được chuỗi cung ứng toàn diện, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững, bảo vệ môi trường cho Việt Nam và trên toàn thế giới.
Đến với sự kiện Diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” và Viet Nam International Sourcing Expo 2023, ông Hoàng Vệ Dũng cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu thúc đẩy tầm nhìn về doanh nghiệp là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực dệt may, đồng thời tạo dựng mối quan hệ tin cậy với các nhà nhập khẩu và nhà phân phối quốc tế.
"Thông qua các sản phẩm trưng bày tại gian hàng, chúng tôi muốn quảng bá và chia sẻ với các khách hàng những thành tựu đã nghiên cứu và làm thành công, đồng thời mong muốn tìm kiếm đối tác tiềm năng từ các quốc gia khác nhau để hợp tác xây dựng chuỗi giá trị tại Việt Nam, cùng hợp tác mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa trên cơ sở cùng có lợi" - ông Hoàng Vệ Dũng cho hay.