Áp lực chi phí sản xuất tăng mạnh
Năm 2021 là một năm "chưa có tiền lệ" đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng khi liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn |
Kinh tế TP. Đà Nẵng năm 2021 gắn liền với diễn biến của dịch Covid – 19. Đặc biệt thời gian từ tháng 8/2021 đến nay, dịch bệnh bùng phát tại các doanh nghiệp sản xuất, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, dẫn đến đơn hàng bị chậm tiến độ. Nhiều doanh nghiệp thích ứng với mô hình sản xuất “3 tại chỗ” vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa duy trì được sản xuất đáp ứng được tiến độ đơn hàng nhưng ngược lại chi phí sản xuất lại tăng mạnh.
Theo đại diện Công ty Cp Cao su Đà Nẵng (DRC) (KCN Liên Chiểu, Liên Chiểu), chỉ trong 2 tháng 8&9/2021, đơn vị đã chi hàng chục tỷ đồng để duy trì sản xuất cho khoảng 500 người lao động theo phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường, 2 điểm đến”.
Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid – 19, chuỗi sản xuất – cung ứng trong nước và thế giới năm 2021 tiếp tục bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của doanh nghiệp. Sự bùng phát của dịch bệnh tại khu vực phía Nam đã làm đứt gãy cục bộ chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, gây tăng giá ở chi phí sản xuất đầu vào. “Giá một số nguyên liệu đầu vào của công ty tăng từ 10 – 20% như vải (tăng 10%), đế làm dép và quế tăng 20%.... ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH SXCBKDXNK Hương Quế (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) cho hay.
Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác như thủy sản, sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là bao bì các loại…. cũng ghi nhận giá nguyên liệu đầu vào đồng loạt tăng.
Chi phí vận chuyển trong năm 2021 cũng ghi nhận tăng mạnh, nhất là chi phí logistics đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn tại Đà Nẵng cho biết xuất khẩu hàng đi thì trường Hoa Kỳ đang rất khó khăn do chi phí logistics quá cao và đang chiều tăng, khả năng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.
Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã chi hàng chục tỷ đồng để duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" trong thời điểm dịch Covid - 19 cao điểm |
Ông Hà Phước Lộc – Phó Tổng Giám đốc DRC cho biết, trong lịch sử phát triển công ty, chưa có năm nào sản xuất kinh doanh của đơn vị gặp phải khó khăn nhiều và lớn như năm 2021. Giá nguyên vật liệu tăng phi mã, mức độ tăng phải tính bằng lần do đứt gãy nguồn cung; chi phí logistic đạt mức tăng kỷ lục trên toàn cầu; sức mua thị trường trong và ngoài nước giảm sút chưa từng có;….
“Năm 2021, việc vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid – 19 cho gần 2.000 người lao động, vừa duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động, đảm bảo giá trị thành phẩm; vật tư tồn kho trong mức cho phép; duy trì chỉ số xếp hạng tín dụng; đảm bảo nguồn cung sản phẩm cho khách hàng khi có nhu cầu…là nhiệm vụ chưa có tiền lệ đối với Công ty”, ông Lộc nói.
Tận dụng được cơ hội, nhiều doanh nghiệp cán đích doanh thu
Những khó khăn của năm 2021 đã thể hiện rõ nét khi kết quả sản xuất công nghiệp tại TP. Đà Nẵng năm 2021 không những không đạt mục tiêu tăng trưởng của năm mà còn rơi vào tăng trưởng âm.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 giảm 2,1% (kế hoạch năm 2021 IIP tăng 7 – 8%), trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 2,2%, sản xuất và phân phối điện giảm 1,7%, cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 3,7%....
Dù IIP toàn ngành giảm, tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng đã chủ động, thích ứng, tìm và tận dụng được những cơ hội từ những khó khăn để tăng tốc sản xuất, về đích năm 2021 vượt doanh thu và lợi nhuận mục tiêu.
Nhà máy giấy bao bì Tân Long Đà Nẵng dự kiến "cán đích" doanh thu sản xuất năm 2021 tăng hơn 20% so với năm 2021 |
Theo ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Nhà máy giấy Bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu), mặc dù chi phí sản xuất bao bì đầu vào đều tăng, đơn vị cũng phải áp dụng sản xuất “3 tại chỗ liên tục”, tuy nhiên, kết thúc năm 2021, dự kiến doanh thu đơn vị vẫn tăng trưởng mạnh từ 20 – 30%.
“Nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán không tăng, nhưng doanh thu Tân Long vẫn tăng mạnh nhờ những đầu tư về máy móc, thiết bị, công nghệ trong 2 – 3 năm trước, đến nay, khi sản xuất đã vào guồng, chúng tôi có thể nâng công suất đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Thống chia sẻ và cho biết mặc dù gián đoạn xuất khẩu, tuy nhiên, thị trường nội địa đã hoàn toàn bù đắp và làm tăng doanh thu của công ty.
Còn tại DRC, nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, VJEPA… cùng với việc đảm bảo an toàn và nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, đơn vị này cũng đã cán đích ấn tượng tới mức tăng trưởng hơn 20%.
Ông Hà Phước Lộc – Phó TGĐ Công ty cho biết, năm 2021 ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của đội ngũ kỹ thuật DRC, từ chỗ phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc chuyển giao công nghệ của đối tác Trung Quốc đến nay bên cạnh việc hợp tác với Hãng BDE – Phần Lan, đội ngũ kỹ thuật của DRC đã rất trưởng thành, hoàn toàn làm chủ về công nghệ và thiết kế đối với dòng sản phẩm mới lốp TBR chất lượng cao tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nhờ vậy, doanh thu bán hàng của DRC năm 2021 đạt hơn 4.595 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với kế hoạch và tăng hơn 20% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 350 tỷ đồng, vượt hơn 16% so với kế hoạch và hơn 9% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2021, DRC đã sản xuất và tiêu thụ vượt công suất toàn bộ Dự án nhà máy sản xuất lốp ô tô tải toàn thép (công suất của DA là 600.000 lốp/năm; SLTT năm 2021 đạt 605.000 lốp).
Trong sự gián đoạn chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu, cùng với lợi thế từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp dệt may tại TP. Đà Nẵng đã được trao nhiều hơn cơ hội gia tăng sản xuất khi đơn hàng tăng mạnh. Ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu) cho biết, hiện các đơn hàng của công ty tăng mạnh, đơn vị chủ động tuyển dụng thêm lao động mở rộng sản xuất để đảm bảo tiến độ giao hàng cho đối tác. Doanh thu của đơn vị năm 2021 tăng khoảng 30% so với năm 2020.