Thoát những “cơn sóng gập ghềnh” doanh nghiệp công nghiệp trở lại “đường băng” tăng trưởng Doanh nghiệp công nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất sau bão |
Áp lực vẫn đè nặng doanh nghiệp sản xuất
Theo S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,4 xuống 47,3 điểm trong tháng 9, điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11/2023. Kết quả sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm.
Vẫn còn nhiều khó khăn đeo bám các doanh nghiệp công nghiệp, rất cần thêm những giải pháp “tiếp sức” hiệu quả hơn. Ảnh: Cấn Dũng |
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến trong quý III/2024 và dự báo quý IV/2024 do Tổng cục Thống kê cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, trong quý vừa qua, có 53% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.
Ngoài ra, đánh giá về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh thì dòng vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,5% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 21,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao. Để giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao trong thời gian tới, có 43,4% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, như tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong 9 tháng năm 2024, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 13.036 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 72,8% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 490 tỷ đồng, bằng 170,1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 89,1% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều áp lực khi thị trường chưa có cải thiện đáng kể. Với ngành may áp lực về thời gian giao hàng, đơn giá chưa cải thiện, chất lượng sản phẩm yêu cầu khắt khe hơn. Với ngành sợi, mặc dù đã giảm lỗ 80-85% so với năm 2023, nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, bất lợi do phải đối mặt với sự trồi sụt của giá bông và chưa có sự cải thiện về giá bán sợi…
Bên cạnh vấn đề của doanh nghiệp ngành sợi, với nhóm ngành dệt may nói chung, vẫn còn nhiều áp lực phải đối mặt dù sắp sửa bước vào mùa tiêu dùng cuối năm. Đó là khó khăn việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất và mở rộng hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp đang rất cần các chính sách giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, áp lực về thời gian giao hàng, đơn giá chưa cải thiện, chất lượng sản phẩm yêu cầu khắt khe hơn, sức tiêu dùng chưa cải thiện nhiều.
Hay như ngành thép sẽ khó đạt mức tăng trưởng cao như kỳ vọng trong năm nay do lượng hàng tồn kho còn khá lớn. Nhất là tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu từ nước ngoài đang làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng sắt thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt. Không những thế, ngành này còn đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại và những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh. Tất cả khiến cho việc thoát khó của các doanh nghiệp thép trở nên đầy nặng nề.
Cần thêm những giải pháp “tiếp sức” hiệu quả
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, sức cầu của thị trường kém, tiêu dùng tư nhân chưa phát huy được nhiều vai trò thúc đẩy sức cầu cho sản xuất, thì cùng với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo động lực mới cho sản xuất công nghiệp.
“Chính phủ cũng đã phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua thì các doanh nghiệp công nghiệp mới có thể duy trì được hoạt động sản xuất bình thường trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn đang gặp nhiều thách thức”- ông Phạm Tuấn Anh nêu.
Về phía Bộ Công Thương đã tập trung các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kịp thời cập nhật kịch bản tăng trưởng lạm phát mới. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu thế tăng giá trong thời gian sau bão như lương thực thực phẩm, vật tư nguyên liệu sửa chữa nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiêu dùng. Khai thác tối đa các thị trường truyền thống và tiếp tục khai mở thị trường mới theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Trước áp lực vẫn còn đè nặng như vậy, để mùa tiêu dùng cuối năm sắp đến góp phần giúp cho “bức tranh” của các doanh nghiệp được tươi sáng hơn đang rất cần thêm những giải pháp “tiếp sức” hiệu quả. Nhất là cần tiếp tục có biện pháp kích cầu, tăng xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, tháo điểm nghẽn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn với lãi suất thấp.
Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cấp dưới trực thuộc tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện theo thẩm quyền các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng, năm tới. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng,… thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Nghiên cứu tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác để tăng sức mua của thị trường nội địa… |