Cách nào bảo vệ doanh nghiệp dệt may khi đối tác phá sản? Doanh nghiệp chuẩn bị gì khi VND mạnh dần lên trong nửa cuối năm? |
Doanh nghiệp thiếu vốn mở rộng sản xuất
Chia sẻ tại một sự kiện liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra mới đây, PGS, TS Nguyễn Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi cho biết, doanh nghiệp Nấm Linh Chi đang hướng tới sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn về vấn đề tài chính do các tiêu chí của ngân hàng đưa rất khó khăn.
Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ (Ảnh: Nguyễn Hòa) |
Tương tự, bà Trịnh Thị Hà – đại diện Công ty TNHH Thép Ngọc Diệp cho biết: Doanh nghiệp đang hướng đến mục tiêu đạt Tín chỉ carbon để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh, doanh nghiệp vẫn đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn.
Cũng gặp khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Nguyễn Thị Lương, Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho biết: Bên cạnh khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về mặt bằng, đặc biệt là nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) từng thực hiện cho thấy, mặc dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được do không bảo đảm yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay. Cụ thể, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… Đặc biệt, Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có tới 41% doanh nghiệp khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.
Vốn cho sản xuất kinh doanh là khó khăn được 21,2% doanh nghiệp lựa chọn (Ảnh: Nguyễn Hòa) |
Để đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mới đây Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành khảo sát 30.530 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng số doanh nghiệp trả lời khảo sát là 29.300 doanh nghiệp, chiếm 96% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra.
Kết quả cho thấy, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,4% doanh nghiệp lựa chọn. Bên cạnh đó, vốn cho sản xuất kinh doanh là khó khăn được 21,2% doanh nghiệp lựa chọn; 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao.
Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME): Dù Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu giảm thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, song quy định nội bộ của một số ngân hàng thương mại vẫn phức tạp. Đáng chú ý, việc xác định số vốn cho vay dựa trên giá trị tài sản thế chấp chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, tài sản thế chấp chỉ được định giá ở mức khoảng 70 - 80% giá trị giao dịch thực tế trên thị trường, tỷ lệ cấp vốn chỉ khoảng 70% giá trị định giá tài sản thế chấp.
Mong muốn giảm lãi suất vay
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2024, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Theo kết quả khảo sát, về lãi suất, để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 47,0%.
"Cùng với đó, 29% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện về thủ tục vay vốn, vì doanh nghiệp cho rằng, lãi suất vay vốn đã giảm nhưng vẫn ở mức cao và ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp" - đại diện Tổng cục Thống kê nêu.
Trong khi đó, để tháo gỡ khó khăn về vốn cho cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Trước hết phải tháo được nút thắt ở thị trường tín dụng, cùng với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là về thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và gia nhập thị trường, kinh doanh thuận lợi.
Cùng với đó, cải thiện yếu tố đầu vào, đặc biệt là hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, bao gồm tiếp tục duy trì và bảo đảm tính chất ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, giãn hoãn phí, lệ phí… để tăng khoản tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ yếu tố đầu vào và các giải pháp cho các yếu tố đầu ra. Đồng thời, thúc đẩy các giải pháp để các doanh nghiệp sớm tăng thêm các đơn hàng mới, phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, khơi thông thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính và tiền tệ… cũng sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vận hành thông suốt, hiệu quả, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc phát triển không chỉ trong năm 2024, mà cả trong năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, và các năm tiếp theo.