4 doanh nghiệp bán lẻ chung tay tiêu thụ sản phẩm OCOP Các ‘đại gia’ nước ngoài liên tục mở cửa hàng mới, doanh nghiệp bán lẻ nội không đứng ngoài ‘cuộc chơi’ |
Đưa vào hoạt động các kênh phân phối hàng Việt mới
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiêu dùng nội địa là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp song lại luôn biến động theo hướng người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn khi lựa chọn sản phẩm. Điều này cũng thể hiện rõ rệt trong các nghiên cứu được nhiều công ty nghiên cứu thị trường như Nielsen hay Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố gần đây.
Cụ thể, hiện nay, người tiêu dùng Việt ngày càng có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh tốt cho sức khỏe nhưng phải có giá cả phù hợp. Đồng thời, người Việt quan tâm nhiều hơn đến khuyến mãi khi lựa chọn những sản phẩm được giảm giá nhiều hơn… Tuy nhiên, có một điểm chung là người tiêu dùng Việt rất tin tưởng và luôn ưu tiên lựa chọn hàng Việt khi mua sắm bởi họ có niềm tin mạnh mẽ về chất lượng các sản phẩm này.
Kênh phân phối Việt chủ yếu tiêu thụ hàng Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng) |
Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hiện có hơn 90% người tiêu dùng trong nước tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng Việt. Đáng chú ý, độ phủ hàng Việt ngày càng sâu rộng trên kênh hiện đại lẫn kênh truyền thống cho thấy sự nỗ lực của nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó có các kênh phân phối bán lẻ Việt.
Mới đây, tại chung cư Hưng Phát, phường 6, quận 8, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã đưa vào hoạt động siêu thị Co.opmart Phạm Thế Hiển, nâng tổng số siêu thị Co.opmart trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lên con số 44 siêu thị. Đây cũng là siêu thị Co.opmart thứ 131 trên toàn quốc.
Siêu thị có diện tích tinh gọn gần 1.000 m2 so với các siêu thị trong cùng hệ thống, cung cấp 20.000 mặt hàng nhu yếu chất lượng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang và đồ gia dụng, cùng hàng loạt dịch vụ tiện ích, hiện đại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Sagon Co.op đã bố trí hơn 20.000 mặt hàng chủ yếu là hàng hoá thiết yếu cần thiết phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt cho các hộ gia đình tại đây. Quan trọng hơn, cùng với hệ thống Co.opmart cả nước, Co.opmart mới này sẽ là điểm phân phối hàng bình ổn giá phục vụ cho người dân quận 8 và các quận huyện lân cận. Với cơ cấu hàng Việt gần 95%, siêu thị sẽ tạo thêm thuận lợi trong việc quảng bá hàng Việt đến người tiêu dùng, thiết thực hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Siêu thị Việt chung tay tiêu thụ nông sản Việt
Cũng là một trong những siêu thị thuần Việt, tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu cung ứng hàng hóa chất lượng tươi ngon thượng hạng tới hàng triệu người tiêu dùng Việt, những năm qua, Wincommerce còn tích cực đưa nông sản địa phương vào hệ thống bán lẻ hiện đại với sản lượng lớn. Việc hợp tác hai bên vừa đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa chất lượng tới người tiêu dùng của chuỗi bán lẻ, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định đầu ra, và trên hết góp phần vào mục tiêu chung là nâng cao thương hiệu nông sản Việt. Theo đó, các mặt hàng nông sản nội địa hiện chiếm phần lớn tỷ lệ hàng hóa tại hệ thống Wincommerce và doanh thu từ nhóm hàng này được ghi nhận chiếm tới 30% doanh thu toàn chuỗi.
Wincommerce đã và đang triển khai các hoạt động xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững, đồng hành cùng các nhà cung cấp từ khâu trồng trọt, thu hoạch, cho đến đóng gói nhằm đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Tất cả các sản phẩm trước và sau khi vận chuyển tới điểm bán đều được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng luôn đạt chuẩn.
Nhằm đảm bảo khách hàng trên cả nước có cơ hội tiếp cận với hàng hóa nội địa chất lượng cao, trung bình một năm, WinMart thu mua và tiêu thụ 50.000 tấn rau củ, trong đó hàng nông sản nội địa chiếm hơn 99%.
Bên cạnh việc mang nông sản Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng hành cùng nông sản Việt chinh phục các thị trường trên thế giới cũng là mục tiêu mà đơn vị này hướng tới. Cụ thể, đơn vị đã ký kết dài hạn và thu mua sản lượng lớn với các nhà cung cấp, thúc đẩy thương mại giúp ngành hàng gạo Việt Nam hướng tới quy mô lớn, tiêu chuẩn cao và chuyên nghiệp hơn tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Đặc biệt, nhà bán lẻ này chú trọng vào thúc đẩy nông sản Việt khi luôn duy trì tỷ lệ hàng nội địa trên 90%. Hàng tháng, nông đặc sản của các địa phương luôn được trưng bày tại các vị trí ưu tiên, đi cùng là các khuyến mại ưu đãi hấp dẫn nhằm kích cầu mua sắm người tiêu dùng. Các chương trình đưa nông sản của từng vùng miền vào hệ thống bán lẻ có thể kể đến: "Tự hào nông sản Việt", "Đồng hành tiêu thụ cam sành Vĩnh Long", "Nông sản sạch, giá tiết kiệm"... đều thu hút đông đảo sự chú ý của khách hàng.
Đáng chú ý, mới đây, để phục vụ người tiêu dùng Việt, WinEco – một doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Masan đã đưa hàng trăm tấn rau củ của WinEco từ Lâm Đồng ra Hà Nội để phục vụ người dân ảnh hưởng bởi bão lũ. Đại diện WinCommerce chia sẻ: "Thông qua các các hoạt động mở mới, chương trình khuyến mại, chính sách đặc biệt, chúng tôi hy vọng đưa nông sản sạch, chất lượng, nguồn gốc rõ ràng đi khắp mọi miền đất nước, phục vụ trọn vẹn nhu cầu của hàng triệu người tiêu dùng Việt".
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27-8-2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt. Phát động phong trào tiêu dùng hàng Việt, sản phẩm địa phương thông qua các mô hình gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên sàn thương mại điện tử. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm. |