Nhiều dư địa hợp tác
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang có những bước tiến dài để phát huy vị thế của một quốc gia đang phát triển năng động trong khu vực, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác nước ngoài, trong đó có các đối tác tiềm năng từ Liên minh Châu Âu (EU).
Ngoại thương của Việt Nam chủ yếu với khu vực Châu Á (chiếm khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu và 50% kim ngạch xuất khẩu). Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam và EU, bao gồm cả Áo có thêm điều kiện thuận lợi bổ sung danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu sang thị trường của nhau.
Giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Áo 2020 |
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100% biểu thuế, EVFTA tạo cơ hội lớn cho việc gia tăng các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ ... sang thị trường EU nói chung và Áo nói riêng. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký từ trước đến nay.
Ngoài ra, cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm Chính phủ, cũng như các quy định cụ thể về tiếp cận thị trường và các biện pháp kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa của Áo tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng có điều kiện để được sử dụng những sản phẩm chất lượng của Áo như: dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, máy móc, thiết bị và phụ tùng... – Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Thực tế, 3 tháng qua, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, trao đổi thương mại một số mặt hàng Việt Nam với thị trường EU đã có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang cơ cấu lại bộ máy, sẵn sàng cơ sở hạ tầng nhà xưởng, nguồn nguyên liệu đáp ứng các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ tốt hơn cho thị trường EU.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đặc biết nhấn mạnh, trong EU, Áo đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Quan hệ hai nước đã chuyển sang giai đoạn hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Với việc triển khai EVFTA, thương mại Việt Nam và Áo được kỳ vọng sẽ có thêm dư địa mới để tăng trưởng. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Áo gồm: điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy…
Mở rộng cơ hội hợp tác
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Áo đều có nhu cầu mở rộng tìm kiếm đối tác, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Ông Lê Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Áo cho biết, Phòng Thương mại Áo đã mở văn phòng đại diện ở Việt Nam từ năm 2019, các doanh nghiệp Áo đánh giá cao và muốn hợp tác sâu rộng với doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía Đại sứ quán Việt Nam, ông Lê Dũng cam kết, sẽ sẵn sàng kết nối và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Áo tìm hiểu đối tác, thị trường của nhau, hướng tới các mối quan hệ kinh doanh lâu dài.
Đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, ông Thomas Zopfl, Giám đốc SBA Cigare and Plug Paper/MD Wattenspapier – Delfort Group chia sẻ, doanh nghiệp của ông đã đầu tư tại Việt Nam từ năm 2015. Việc doanh nghiệp này chọn đầu tư tại Việt Nam thay vì ở những nước Đông Nam Á khác vì nhận thấy Việt Nam có địa thế tốt, nhân công tay nghề cao, nghiêm túc, nhiệt huyết với công việc, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, Chính phủ chào đón các nhà đầu tư…
Ông Thomas Zopfl cũng hy vọng và tin tưởng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Áo lựa chọn đầu tư và kinh doanh với Việt Nam. Gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Áo, các chuyên gia cho rằng, nước này đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều sản phẩm thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như hàng tiêu dùng, may mặc, cà phê… Trong khi đó, EVFTA giúp cho hàng hóa từ Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao hơn tại thị trường EU cũng như thị trường Áo.
Doanh nghiệp Áo quan tâm đến hàng tiêu dùng của Việt Nam |
Với những điều kiện trên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu những mặt hàng này sang Áo để mở rộng thị phần và nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hoạt động kinh doanh, ông Vũ Bá Phú khẳng định, Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Việt Nam và Áo có thêm cơ hội hợp tác kinh doanh hiệu quả và ổn định lâu dài.
Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Áo 2020 là sự khởi đầu của sự hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Phòng Kinh tế Liên bang Áo. Tại sự kiện này, các doanh nghiệp sản Việt Nam và Áo đã có cơ hội giao thương trực tuyến 1:1 để giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm và thương hiệu, tìm hiểu đối tác, thị trường và những cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng.
Theo nhận định của ông Vũ Bá Phú, những hoạt động giao thương này sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tìm hướng phát triển các giao dịch thương mại và cùng vượt qua thời kỳ khó khăn, đóng góp vào việc củng cố quan hệ thương mại tốt đẹp Việt Nam - Áo.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Áo trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 2,736 tỷ USD, giảm 10,87% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Áo đạt 2,49 tỷ USD, giảm 10,75%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 240,726 triệu USD, giảm 14,19% so với cùng kỳ năm ngoái. |