Ngộ độc thực phẩm gia tăng: Buông lỏng quản lý hay chế tài chưa đủ mạnh? Thực phẩm bẩn bủa vây trường học: Không dừng ở ngộ độc |
Thời gian qua, món ăn Việt, nhất là các món ăn đường phố liên tục được ghi nhận lọt top những món ngon thế giới. Gần đây nhất là bốn đặc sản Việt Nam vào top "món ăn từ thịt xay ngon nhất châu Á". Các món ngon vào top món ăn từ thịt xay gồm: Bún chả (vị trí thứ 17); món tiếp theo bò lá lốt giữ vị trí thứ 27; nem lụi, món thịt heo xay xiên sả giữ vị trí thứ 28; món Việt cuối cùng góp mặt trong danh sách là bánh mì thịt viên, ở vị trí thứ 46…
Du khách yêu thích đồ ăn đường phố Việt nhưng e dè về vấn đề an toàn thực phẩm. (Ảnh: kenh14) |
Trước đó, rất nhiều thông tin tích cực về món ngon Việt vào top của thế giới, như vào tháng 4/2024 có 6 món ăn vặt lọp top 100 món ăn vặt ngon nhất châu Á gồm: Chả giò, bánh xèo, gỏi cuốn, chạo tôm, bánh rán, bánh khọt. Hay tháng 3/2024 là thông tin 11 món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á" gồm xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn…
Với sự ghi nhận, sự bình chọn của du khách về món ăn Việt, có thể thấy ẩm thực Việt đã gây ấn tượng với bè bạn quốc tế. Đánh giá một cách khách quan thì đồ ăn Việt thực sự ngon. Đánh giá đó dựa trên nhiều yếu tố, chúng ta có nguồn thực phẩm đa dạng, có bản sắc văn hóa truyền thống, đa dạng văn hóa vùng miền gắn với ẩm thực, nhiều tỉnh thành được hưởng đủ thời tiết 4 mùa trong năm…
Chính vì vậy, các món ăn theo đó mà phong phú, đặc sắc. Cũng xin mạn đàm thêm, đồ ăn Việt không gò cứng bị thiên về một loại gia vị nào chủ đạo. Cách sử dụng gia vị linh hoạt, không cứng nhắc. Cách chế biến cũng… thiên biến vạn hóa.
Quốc gia nào cũng có nền ẩm thực riêng và chắc rằng người dân của họ tự hào về điều đó. Tuy nhiên, theo tìm hiểu và trải nghiệm một số quốc gia, thấy rằng do yếu tố văn hóa, tôn giáo, khí hậu… món ăn ở một số quốc gia có thiên hướng sử dụng các gia vị chủ đạo như tiêu, ớt, cà ri, cốt rừa…. Hay xứ lạnh thì ăn quá cay hoặc tìm những món phù hợp để chống lại cái rét. Xứ nóng cũng phải tính đến các món phù hợp… Phân tích để thấy ẩm thực Việt có nhiều yếu tố, lợi thế để món ăn đa dạng, phong phú và… ngon!
Trở lại với món ngon đường phố. Thực chất thì cũng khó để phân biệt như thế nào là món ăn đường phố và món ăn trong quán, trong nhà hàng. Có thể hiểu món ăn đường phố qua cách kinh doanh, cách thưởng thức. Món ăn đường phố có thể có quán hoặc bày vỉa hè, nhưng người thưởng thức thì nhất định phải… trên hè phố.
Món ăn đường phố có cái hay là thực khách cảm nhận thị giác, mùi vị của món ăn trước khi thưởng thức. Đặc biệt với những món nướng thì khói nghi ngút thơm lừng thực sự “níu chân” thực khách… Nhìn vào thực tế, món ngon đường phố tại Việt Nam đang rất phát triển. Xin không bàn đến yếu tố về vi phạm quy định đô thị, giao thông, phải nói rằng “kinh tế vỉa hè” từ ẩm thực đã giúp nhiều người mưu sinh và thu hút du khách.
Trở lại vấn đề an toàn thực phẩm, một nội dung dù không muốn nhưng vẫn phải nêu lên về những vụ ngộ độc thực phẩm gần đây và cũng không ít vụ từ món ăn đường phố. Điển hình như gần đây là vụ việc 12 cháu bé ở Nha Trang bị ngộ độc do ăn bánh mì bán ở cổng trường và một cháu đã không qua khỏi. Hay vụ gần 100 người ngộ độc cuối năm 2023 tại Hội An cũng do ăn bánh mì tại một quán hè phố...
Có thể nói, việc quản lý an toàn thực phẩm đã khó, đối với đồ ăn kinh doanh trên đường phố còn khó khăn hơn. Ở các đô thị lớn nước ta, bước chân ra đường, đâu đâu cũng có thể thấy các hàng quán đồ ăn vỉa hè tại nhiều khu chợ truyền thống, cổng trường học, cổng bệnh viện, với đủ các món như bánh mì, thịt nướng, bánh rán, xúc xích…
Mặc dù quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh đều đã có. Tuy nhiên, thực tế để “áp” quy định với các quán vỉa hè cũng khó. Hầu hết quán đường phố chế biến đồ ăn tại chỗ trên vỉa hè hoặc trên xe đẩy, điều kiện vệ sinh khó đảm bảo. Người mua đa số đều là khách vãng lai, không phải ngày nào cũng mua và không quá “khắt khe” về vấn đề vệ sinh nên một số người bán hàng có tâm lý bán một lần là xong, không cần giữ khách.
Nhìn vào số lượng hàng quán thức ăn đường phố hiện nay, có thể nói lực lượng chức năng rất khó, hoặc không đủ nhân lực để huy động kiểm soát hết tất cả. Vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội. Muốn vậy cần phải giáo dục ý thức cho cả người bán lẫn người mua...
Đặc biệt, để bảo an toàn cho chính mình, bản thân người ăn cần tránh thói quen tùy tiện, nên chọn cơ sở có thương hiệu, sạch sẽ, thoáng mát, có đăng ký, tránh vỉa hè có côn trùng, nước bẩn...
Các cơ quan chức năng cần quy định nơi buôn bán đã thẩm định vệ sinh an toàn, về lâu dài cần có các giải pháp bền vững hơn như việc kiểm soát nguồn cung thực phẩm cho những hàng quán này…
Tựu chung lại, cần sự quan tâm và vào cuộc từ nhiều phía, phải làm sao để thông tin về những vụ ngộ độc thực phẩm chỉ là hãn hữu chứ không để tình trạng “cơm bữa” như thời gian qua. Món ăn ngon nhưng phải tạo được niềm tin, sự đảm bảo với du khách về sự an toàn, để du khách không e dè khi thưởng thức món ăn đường phố…