TP. Hồ Chí Minh: Sở Y tế thông tin mới nhất về 15 học sinh ngộ độc nghi do ăn sushi Thủ tướng yêu cầu tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai |
Hồi chuông báo động về mất an toàn thực phẩm không phải giờ đây mới gióng lên, năm 2022 cả nước có 18 người tử vong liên quan đến thực phẩm; năm 2023 con số này lên tới 28 người. Những tháng đầu năm 2024, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Vụ việc tại Đồng Nai mới đây vẫn đang khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng về “thực phẩm bẩn’’.
Số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng |
Trên thực tế, mất an toàn thực phẩm không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đối phó với thực trạng này. Tuy nhiên tại nhiều quốc gia, để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc có hành vi kém an toàn thực phẩm, dù chưa xảy ra hậu quả, ngoài án phạt nặng còn bị tước giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn, bị người tiêu dùng tẩy chay.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm họ cũng có những cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ tại Mỹ, một trong những ưu tiên hàng đầu để xử lý vấn đề này là minh bạch nguồn gốc thực phẩm, được thể hiện rõ ở các quy định chặt chẽ về ghi nhãn thực phẩm. Thiết lập cơ sở dữ liệu để có thể truy nhanh nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, nguyên liệu làm ra thực phẩm và nhận diện khâu nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm có vấn đề, kịp thời thu hồi sản phẩm lỗi ra khỏi các kênh phân phối trên thị trường...
Trong khi ở Việt Nam, không hiếm trường hợp bị xử phạt vẫn tái phạm nhiều lần và ít có trường hợp bị xử lý hình sự khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, đa số chỉ xử phạt hành chính.
Câu hỏi đặt ra, có phải do chế tài xử phạt, xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm ở nước ta chưa đủ sức răn đe nên mới dẫn đến liên tiếp số vụ ngộ độc như vậy?
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Công Thương về quan điểm này, luật sư Trần Xuân Tiền - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Vấn đề xử phạt an toàn thực phẩm đã có quy định, việc nặng hay nhẹ do quan điểm của mỗi người đánh giá. Tuy nhiên, vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng có dấu hiệu gia tăng, gây hiệu quả nghiêm trọng là những cảnh báo về sự giả dối lương tâm con người, sự vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức… điều này đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ, tổng thể, từ ý thức của bán hàng và cả ý thức của người mua...''.
Tại nhiều cuộc hội thảo về an toàn thực phẩm, có ý kiến nhận định: Hành lang pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm đã đầy đủ nhưng thiếu mô hình, cách thức tổ chức triển khai hiệu quả, sát với thực tế. Ở góc độ quản lý, dù đã có nhiều cố gắng song công tác quản lý, thanh kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các cơ quan hữu quan còn chồng chéo, bất cập... Đáng lo ngại hơn cả là việc một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dù biết rõ sản phẩm không đảm bảo về chất lượng nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả để tìm cách đưa đến tay người tiêu dùng “thực phẩm bẩn”.
Không ít vụ việc ngộ độc thực phẩm đau lòng đã xảy ra, nhiều bài học nhãn tiền vì làm ăn kiểu "chộp giật" đã khiến chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm phải trả giá đắt. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tự ý thức được việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời cần đặt vấn đề đạo đức kinh doanh lên hàng đầu. Đừng để khi xảy ra sự cố mới đổ tại lý do "khách quan" hay sự thiếu hiểu biết về pháp luật.
Giới chuyên gia khuyến cáo, điều cần quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh thực phẩm lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và tái phạm (đóng cửa vĩnh viễn, xử lý hình sự những vụ gây hậu quả nghiêm trọng…) để từ đó tạo nếp nghĩ, cách làm tốt trong kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. Đừng để bị động trong công tác quản lý và khi "mất bò mới lo làm chuồng".
Để ngăn chặn “thực phẩm bẩn”, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật khá hoàn thiện. Có thể kể đến như: Luật An toàn thực phẩm của Quốc hội, số 55/2010/QH12; Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT năm 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành…
Trước số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố....; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.
Các bộ ngành liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc, xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ; thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định...
Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt lên đến 20 năm tù. Song trên thực tế, việc điều tra nguyên nhân các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm thường rất khó khăn bởi nhiều nguyên nhân nên rất ít vụ vi phạm an toàn thực phẩm thời gian qua được điều tra, xử lý theo Bộ Luật hình sự. |