Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của Công ty Cổ phần Chứng khoán HVS Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan quản lý phát hiện công ty vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về chứng khoán.
Cụ thể, theo thông tin từ UBCKNN, Chứng khoán HVS Việt Nam đã không đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 94 Luật Chứng khoán 2019. Việc không tuân thủ các tiêu chuẩn này đặt ra rủi ro lớn đối với hoạt động kinh doanh công ty và quyền lợi của nhà đầu tư.
Các nhân sự mới của HĐQT HVS đều là những nhân sự quan trọng trong nhiều năm qua của Tập đoàn Thành Công (Ảnh minh họa) |
Đây không phải là lần đầu tiên HVS gặp phải vấn đề liên quan đến việc đình chỉ hoạt động. Trước đó, vào năm 2019, công ty cũng từng bị UBCKNN đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định.
Thành lập từ năm 2008 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hùng Vương, Chứng khoán HVS Việt Nam đã trải qua một hành trình đầy biến động. Mặc dù khởi đầu đầy triển vọng, doanh nghiệp này liên tục vướng vào những lùm xùm liên quan đến vi phạm quy định.
Điển hình là vụ việc như tự ý thay đổi trụ sở chính khi chưa được cơ quan quản lý chấp thuận bằng văn bản vào tháng 5/2024, sau đó UBCKNN đã quyết định xử phạt HVS 125 triệu đồng.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do không báo cáo phương án khắc phục được HĐQT công ty thông qua về việc không đáp ứng việc duy trì điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Năm 2018, công ty bị phạt 70 triệu đồng do không thiết lập Bộ phận Kiểm toán nội bộ. Cũng trong năm này, UBCKNN đã rút nghiệp vụ môi giới đối với Chứng khoán HVS. Sau đó, công ty mất tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) rồi bị thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Bắt đầu từ việc bị phạt hành chính và rút các giấy phép kinh doanh quan trọng, HVS rơi vào tình trạng khủng hoảng và phải đình chỉ hoạt động trong một thời gian dài. Dù được phép hoạt động trở lại vào năm 2020, công ty vẫn không thể ổn định và liên tục đối mặt với những thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu.
Trong vòng 4 năm, HVS đã trải qua nhiều lần chuyển nhượng cổ phần, dẫn đến việc thay đổi hoàn toàn bộ máy lãnh đạo.
Theo tìm hiểu, tháng 12/2020, bộ ba cổ đông sáng lập gồm ông Đường Văn Tài, ông Hoàng Nguyễn Thanh Hùng và ông Phạm Ngọc Chiến đã quyết định thoái vốn, nhường lại quyền kiểm soát cho nhóm nhà đầu tư mới là các ông Lê Hồng Anh, Nguyễn Toàn Thắng và Nguyễn Đình Đại.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không kéo dài lâu khi chỉ sau một thời gian ngắn, cổ phần lại tiếp tục được chuyển nhượng cho bà Trương Thị Hồng Nga, ông Ngô Văn Đô và ông Thái Đình Sỹ. Nhóm cổ đông mới này nhanh chóng nắm giữ các vị trí quan trọng trong Hội đồng quản trị (HĐQT).
Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, cơ cấu sở hữu của công ty lại một lần nữa trải qua cuộc "cách mạng" khi bà Văn Lê Hằng cùng bà Nguyễn Thị Thủy và ông Trịnh Bình Long đã mua lại phần lớn cổ phần, nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và thay thế hoàn toàn nhóm lãnh đạo trước đó. Trong đó, bà Hằng giữ vai trò là Chủ tịch.
Các nhân sự mới của HĐQT HVS đều là những nhân sự quan trọng trong nhiều năm qua của Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group). Chẳng hạn, bà Văn Lê Hằng từ 2017 đến nay là chuyên viên kinh doanh của Công ty TNHH TCH Land; bà Nguyễn Thị Thủy gắn bó với Thành Công Group từ năm 2005 và hiện đang là Thư ký - Trợ lý của tập đoàn này; trong khi đó, ông Trịnh Bình Long từng có thời gian làm Giám đốc Công ty TNHH Thành Công Thanh Hóa và hiện đảm nhận vị trí Giám đốc QLPT Khối Ô tô của TC Group.
Năm 2024, Chứng khoán HVS đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng với tổng doanh thu dự kiến 20 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng. Công ty cũng lên kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động thông qua việc tăng vốn điều lệ và thay đổi trụ sở chính.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thực tế lại vô cùng ảm đạm. Báo cáo tài chính nửa đầu năm cho thấy doanh thu giảm mạnh chỉ vỏn vẹn 201 triệu đồng. Trong khi chi phí hoạt động chiếm hơn 258 triệu đồng khiến Chứng khoán HVS lỗ ròng 265 triệu đồng.
Mức lỗ này nâng lỗ luỹ kế của công ty chứng khoán này lên 39 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu teo tóp về còn 10,8 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản giảm về 10,9 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt chiếm chủ yếu với 10 tỷ đồng. Tổng số nhân viên của công ty tại ngày 30/6/2024 chỉ có 6 người.