Chặng đường thần tốc mang tính lịch sử khởi động lại điện hạt nhân Điện hạt nhân được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt nào? Điện hạt nhân: Động lực đưa đất nước vào kỷ nguyên mới |
Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công nghệ nền tảng quan trọng nhất, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội như y tế, giáo dục, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để công nghệ AI phát huy tối đa tiềm năng, Việt Nam cần có một nền tảng hạ tầng vững chắc, bao gồm các trung tâm dữ liệu quy mô lớn và một nguồn năng lượng ổn định, bền vững. Điện hạt nhân đang là lời giải cho cả hai "bài toán khó" này.
Lời giải cho bài toán về năng lượng cho AI
Chỉ trong năm qua, các ông lớn công nghệ thế giới như: Microsoft, Meta, Alphabet, Amazon… đã đầu tư hơn 200 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu, qua đó phát triển các công cụ liên quan đến AI. Trong đó, một lượng lớn nguồn vốn đầu tư đổ vào khu vực châu Á - nơi hạ tầng đất đai, nguồn điện đang có giá rẻ và nhu cầu AI tăng rất cao.
![]() |
Bài toán về nguồn cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu đang làm "đau đầu" nhiều tập đoàn lớn. Ảnh: xaydungchinhsach.chinhphu.vn |
Tuy nhiên, rào cản lớn trong việc phát triển các trung tâm dữ liệu chính là đảm bảo về nguồn điện năng. Trên thực tế, các trung tâm dữ liệu về AI cần một nguồn điện khổng lồ hoạt động 24/7 và không bị ngắt quãng. Để làm được điều này, các "gã khổng lồ công nghệ" trên toàn cầu đang gấp rút tìm kiếm nguồn cung điện vừa ổn định, vừa vô cùng to lớn.
Và với các tập đoàn lớn như Microsoft, Google, Amazon và Meta, điện hạt nhân chính là lời giải cho bài toán về nguồn cung điện. Một nhà máy điện hạt nhân không chỉ có khả năng cung cấp khối lượng điện lớn, mà còn không tạo ra khí thải nhà kính, giúp đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của nhiều tập đoàn.
Theo bà Emma Strubell, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon tại Mỹ, các cam kết về chống lại biến đổi khí hậu đã là lý do chính khiến càng nhiều tập đoàn công nghệ đẩy mạnh đầu tư vào điện hạt nhân. Trên thực tế, trước khi đầu tư vào các điện hạt nhân, nhiều công ty công nghệ lớn đã phải giảm mục tiêu về phát thải carbon theo từng năm.
Trong khi đó, ông Ted Nordhaus, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Breakthrough (Mỹ) cho biết: Ban đầu, nhiều tập đoàn đã cố gắng thực hiện cam kết giảm phát thải bằng cách đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, điện hạt nhân gần như đã trở thành giải pháp duy nhất để đáp ứng với nhu cầu điện gia tăng mạnh mẽ.
Bà Strubell đồng tình với quan điểm này, nhận định: "Tôi nghĩ rằng hạt nhân có lẽ là giải pháp hiệu quả nhất về mặt chi phí mà chúng ta có hiện nay. Việc thu hoạch điện gió hoặc điện mặt trời có thể gặp gián đoạn, trong khi đó, để xây dựng kho dự trữ năng lượng cho các loại hình điện này bên cạnh một trung tâm dữ liệu là rất lớn và sẽ cực kỳ tốn kém".
Tương tự, ông Bryan Hanson, kỹ sư điện hạt nhân tại công ty Constellation Energy (Mỹ) khẳng định: "Các trung tâm dữ liệu sử dụng rất nhiều năng lượng, 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần, bất kể trời nắng, mưa. Năng lượng hạt nhân chắc chắn là nguồn cung năng lượng phù hợp nhất cho chúng".
AI cần "song hành" với điện hạt nhân
Việt Nam hiện đang đối diện thách thức lớn về an ninh năng lượng, cần đa dạng hóa nguồn cung và phát triển năng lượng tái tạo với chiến lược hợp lý để đảm bảo ổn định và bền vững nếu muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, thu hút các ngành công nghiệp mới nổi như bán dẫn, phát triển AI…
![]() |
Điện hạt nhân sẽ đóng vai trò thu hút đầu tư vào ngành công nghệ AI. Ảnh: baochinhphu.vn |
Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo an ninh năng lượng, việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân được coi là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn.
Trên thực tế, điện hạt nhân là giải pháp chiến lược cho việc cung cấp năng lượng ổn định, hiệu suất cao và phát thải CO2 thấp. Với ưu thế các nhà máy điện hạt nhân có thể hoạt động liên tục, không phụ thuộc thời tiết, với công suất khả dụng lên tới 92%, và mức phát thải CO2 tương đương năng lượng gió và thấp hơn điện mặt trời, phát triển các dự án điện hạt nhân sẽ là một giải pháp chiến lược cho Việt Nam trong các năm tới.
Cũng từ bài học kinh nghiệm thực tế, ta có thể thấy rằng điện hạt nhân sẽ là "chìa khóa" then chốt để "mở cánh cửa" tiếp cận AI, một trong những ngành công nghệ chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, và nguồn năng lượng ổn định, bền vững. Điện hạt nhân, với những ưu điểm vượt trội về hiệu suất và phát thải thấp, có thể là chìa khóa giúp Việt Nam giải quyết bài toán năng lượng trong tương lai, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của AI và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Với sự kết hợp giữa điện hạt nhân và AI, Việt Nam không chỉ có thể đảm bảo an ninh năng lượng mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc để phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. |