Nông dân toàn cầu: Từ tư duy đến hành động Vốn và công nghệ trong liên kết “6 nhà” |
Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, giao Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt phối hợp với các đơn vị tổ chức. Bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước tham dự và chủ trì diễn đàn.
Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - cho biết, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò “làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn” của nông dân và dân cư nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng một dự thảo đề án về tri thức hóa nông dân; Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận thị trường của nông dân.
Thực tế, để đạt được mục tiêu xây dựng người nông dân chuyên nghiệp còn nhiều thách thức, khi nông dân còn gặp những khó khăn về vốn, nguồn lực đất đai trong phát triển sản xuất; thiếu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng tiếp cận thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiếp thị nông sản. Do vậy, “Diễn đàn nông dân Việt Nam với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” nhằm tạo cầu nối trao đổi, nhận diện tình trạng, đối thoại cởi mở, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xung quanh khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”.
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam |
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII, bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Hằng năm cả nước có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; với nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200.000 hộ nông dân thoát nghèo. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; lao động nông thôn có xu hướng già hóa; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao....
Do đó, cần phân tích những vấn đề thực tiễn, những rào cản làm cho kinh tế nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, nông dân chưa phát huy hết vai trò chủ thể, chưa quyết định được giá trị của hàng hóa do mình làm ra, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nhưng chưa thể trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước. Phải chăng đó là do cơ chế, chính sách, đất đai, vốn, bảo hiểm, hay là do tư duy, cách thức sản xuất, liên kết và tiêu thụ của nông dân và các bên liên quan...
Gợi mở một số vấn đề để cùng trao đổi, thảo luận tại diễn đàn, bà Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, đó là bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về kinh tế tập thể đã đề ra,.... Làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”? Tri thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp?
Bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước phát biểu tại diễn đàn |
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện và cụ thể hóa chương trình, đề án tri thức hóa người nông dân. Bên cạnh đó, có các chính sách để thu hút các lao động có trình độ, tri thức về lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làm việc tại các hợp tác xã.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ về các thông tin thúc đẩy liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, nông dân với nông dân để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa; các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết, chi tổ hội nghề nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho nông dân; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, có kiến thức giới thiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản… Đồng thời, cùng đi tìm câu trả lời thế nào là người nông dân chuyên nghiệp; người nông dân cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp?. Những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới...
Nhìn nhận, đánh giá những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của nông dân trên con đường xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp gắn với phát triển một nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, Nghị quyết 19 của Đảng vừa ban hành với mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại; gần đây, khái niệm “tri thức hóa nông dân”, xây dựng “nông dân chuyên nghiệp” cũng được các ngành chức năng nói đến.
Điều kiện cần để thực hiện tri thức hóa nông dân là vai trò kiến tạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong cuộc cách mạng số, nếu như có bản đồ số về nông nghiệp, được cập nhật thường xuyên, vùng sinh thái nào trồng cây gì thì sẽ thôi thúc họ lựa chọn sản phẩm mới, công nghệ mới. Khi đó, sản phẩm nào ra trước sẽ chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, cần trang bị cho người nông dân tri thức về thị trường, nhận diện giá trị sản phẩm để từ đó giảm chi phí, tăng gia trị và phát huy sức mạnh mềm của sản phẩm.
Về việc này, ông Trần Duy Hưng - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương – nhận định, yếu tố quyết định đến sự thành công của thực hiện Nghị quyết 19 là nhóm giải pháp: nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Làm sao để nông dân và cư dân nông thôn thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn….
Để nâng cao năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn, ông Trần Duy Hưng cho rằng, cần tăng cường giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, khoa học công nghệ, quản trị xã hội, quản lý sản xuất kinh doanh… từ đó, nông dân và cư dân nông thôn có đủ khả năng làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp.