Ban hành dự thảo quy định tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh Thúc đẩy tín dụng xanh |
Giảm thiểu tác hại đối với môi trường
“Xanh hóa tín dụng” là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhằm đạt được mục tiêu kép là vừa tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững vừa bảo vệ môi trường.
Để phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, điều này được thể hiện rõ trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược này.
Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, ngân hàng xanh từng bước được hoàn thiện.
Ngày 4/7/2022, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định số 1124/QĐ-Ngân hàng nhà nước ban hành Kế hoạch hành động của Ngân hàng nhà nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ; trong đó, có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon…
Với những định hướng, chỉ đạo từ Đảng, Nhà nước và Ngân hàng nhà nước, sự nỗ lực của các Tổ chức tín dụng, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, một số dự án “xanh” đã được đầu tư và phát huy hiệu quả.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Điện Biên đã đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải. |
Cụ thể, dự án Nhà máy xử lý rác Điện Biên có tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng; khởi công năm 2018, hoàn thành và đưa vào sử dụng quý II/2020. Nhà máy thuộc địa bàn bản Púng Min (xã Pom Lót, huyện Điện Biên), biệt lập với khu dân cư, có tổng diện tích trên 10ha do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên làm chủ đầu tư và quản lý điều hành.
Nhà máy có 3 khu xử lý riêng cho từng loại rác thải. Lớn nhất là khu xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 120 tấn/ngày đêm. Còn lại là khu xử lý rác thải công nghiệp, công suất 20 tấn/ngày đêm; khu xử lý, tái sử dụng, chế biến bùn bể phốt, bùn thải, công suất 15m3/ngày đêm.
Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên được đầu tư hệ thống xử lý với công nghệ hiện đại. Hệ thống lò đốt gồm: Buồng đốt sơ cấp và buồng đốt thứ cấp, mỗi buồng đốt gồm các tầng khác nhau. Hệ thống xử lý khí thải gồm các thiết bị hấp thụ khí, thiết bị tách nước, thiết bị hấp thụ bằng than hoạt tính, quạt tạo áp suất âm trong lò và ống khói.
Với công nghệ tiên tiến nhiệt lưu đa điểm đốt, cháy khuếch tán kết hợp cưỡng bức khí tự nhiên và phản ứng nhiệt lưu, không cần sử dụng nhiên liệu hay chất phụ gia, nhà máy không những xử lý hết toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp hàng ngày, mà còn xử lý, tái sử dụng, chế biến bùn bể phốt, bùn thải để bổ sung quá trình đốt cháy. Đồng thời tái chế thành phân bón vi sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên cho biết: Dự án Nhà máy xử lý rác Điện Biên có cơ cấu vốn gồm: 30 - 40% vốn của Công ty và 60 - 70% là nguồn vốn vay tín dụng “xanh” từ các ngân hàng và các tổ chức về môi trường, các quỹ vì mục tiêu bảo vệ môi trường.
Hiện nay, các dự án “xanh” đang được các cấp chính quyền quan tâm, các tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư ưu tiên giải ngân. Khi triển khai dự án, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư; UBND huyện Điện Biên hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư ưu tiên giải ngân nguồn vốn vay. Nhờ đó, dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, đến nay hoạt động hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích nguồn vốn vay, góp phần xây dựng TP. Điện Biên Phủ “xanh - sạch - đẹp”.
Thời gian tới, Công ty tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn “xanh” để đầu tư thêm 2 dự án, gồm: Dự án Nhà máy xử lý rác Tuần Giáo và Nhà máy xử lý chất thải rắn xây dựng; tổng mức đầu tư khoảng 80 - 90 tỷ đồng. Dự án Nhà máy xử lý rác Tuần Giáo dự kiến khởi công trong tháng 3 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023, đảm bảo xử lý rác thải cho 3 huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa và Mường Ảng.
"Xanh" hoá nhiều dự án
Bên cạnh việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên đã và đang đẩy mạnh thu hút nguồn “tín dụng xanh” từ các tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài để đầu tư các dự án “xanh” trên địa bàn tỉnh. Điển hình như dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 981 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA là 665,5 tỷ đồng; vốn đối ứng 275,028 tỷ đồng và vốn EU viện trợ không hoàn lại là 40,5 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai liên quan đến nước nhằm bảo vệ an toàn cho khoảng 40 nghìn dân thuộc các phường, xã của TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên. Đồng thời tăng khả năng thoát lũ, giảm ngập cho khoảng 150km2 khu vực lòng chảo Điện Biên, bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển hạ tầng đô thị.
Đối với ngành nông nghiệp, Dự án góp phần tăng cường khả năng cấp nước cho sản xuất với diện tích trên 18 nghìn héc ta, bổ sung nước mặt và nước ngầm để tăng khả năng cấp nước sinh hoạt với công suất 2.000m3/ngày đêm cho người dân vùng lòng chảo và cấp nước công nghiệp cho các nhà máy trong khu vực.
Hiện tỉnh Điện Biên đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam để hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định để sớm triển khai khởi công dự án.
Điện Biên còn có tiềm năng và lợi thế về phát triển lâm nghiệp. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm, khảo sát và đăng ký các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Một số dự án đã được được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Điển hình như Dự án Trồng rừng sản xuất, nhà máy viên nén và chế biến gỗ dăm Điện Biên. Tổng diện tích đất dự kiến thực hiện dự án là 3.573ha.
Hiện UBND tỉnh cũng đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn đến khảo sát, đăng ký thực hiện các dự án đầu tư năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.