Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 5/2/2024: Giá vàng xoay quanh mức 78 triệu đồng/lượng Giá vàng hôm nay 7/2/2024: Vàng tiếp tục đà tăng nhẹ |
Giá vàng tăng mạnh
Giá vàng hôm nay 7/2 trong nước tiến gần hơn tới ngưỡng 79 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 76,3 triệu đồng/lượng mua vào và 78,52 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 100.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng hôm nay tiếp đà tăng |
Giá vàng thế giới rạng sáng nay đảo chiều tăng nhẹ, với vàng giao ngay tăng 10,5 USD lên 2.035,4 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.052,4 USD/ounce, tăng 9,5 USD so với rạng sáng qua.
Đồng USD hạ nhiệt
Rạng sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 10 đồng, hiện ở mức 23.964 đồng.
Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,28%, xuống mốc 104,17.
Đồng USD trượt giá so với các loại tiền tệ khác vào phiên giao dịch vừa qua, một ngày sau khi đồng tiền này tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng, do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và quan điểm "diều hâu" về lãi suất của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giúp củng cố đồng bạc xanh.
Dưa hấu Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Tính đến nay, 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc. Trung bình mỗi năm giá trị xuất khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc khoảng 50 triệu USD.
Tất cả vùng trồng, cơ sở đóng gói dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Bên cạnh đó, các lô hàng dưa hấu của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.
5 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng đầu năm
Trong tháng 1/2024, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục đón nhận tin vui. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với nông lâm thủy sản đã đạt hơn 5 tỷ USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, thặng dư thương mại đạt 1,43 tỷ USD, tăng tới 4,6 lần. Đây là một khởi đầu tốt, cho thấy những triển vọng tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm nay.
Sau một chuỗi dài giảm sâu trong cả năm ngoái, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 1 năm nay đã đạt 730 triệu USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm đều ghi nhận tăng trưởng trên 50%.
Sôi động hoạt động xuất nhập khẩu dịp Tết
Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khu vực xuất nhập khẩu qua barie số 1 đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá mốc 1088/2, chỉ trong vòng 10 phút, có 6-8 xe chở thanh long đã làm xong thủ tục để xuất hàng sang Trung Quốc. Điều này cho thấy, khi mỗi chuyến hàng lên đến cửa khẩu thời điểm này đều được làm thủ tục nhanh chóng và thuận tiện.
Một trong những thay đổi lớn nhất tại khu vực này là sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, các lái xe trực tiếp đi thẳng vào các bãi hàng khu vực cửa khẩu để sang tải và tiến hành giao nhận hàng hóa. Điều này đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ hàng trong kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm được nhiều chi phí.
Để giải quyết hết thủ tục cho khối lượng hàng lớn, hạn chế thiệt hại, hư hỏng về hàng hóa… hải quan Tân Thanh đã phối hợp với lực lượng biên phòng, doanh nghiệp bến bãi bố trí cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục với phương châm làm hết việc chứ không hết giờ.
Doanh nghiệp cam kết đủ xăng dầu dịp Tết
Các doanh nghiệp đầu mối đã chuẩn bị phương án ứng phó để đủ nguồn cung xăng dầu bán dịp Tết Nguyên đán. Riêng trong tháng 1/2024, Petrolimex nhập khẩu trên 1 triệu m3 xăng dầu các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Con số này cũng tăng khoảng 10% so với tổng nguồn được phân giao bình quân một tháng. Tập đoàn cũng lên các kịch bản để ứng phó với những tình huống khác nhau.
Dự báo, cung ứng xăng dầu năm 2024 tiếp tục khó khăn do địa chính trị thế giới phức tạp. Những yếu tố có thể gây đứt gãy nguồn cung được kể tới như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột tại Ukraine, dải Gaza có thể còn kéo dài, nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ...