Điểm tên 5 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu tỷ USD trong quý I/2024 Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Hướng đến đàm phán Nghị định thư |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) công bố số liệu thống kê 5 sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 8 vẫn là tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ, tôm sú và mực. Riêng xuất khẩu mực tiếp tục sụt giảm hơn 9% trong tháng 8, trong khi xuất khẩu các mặt hàng khác đều tăng khả quan: Tôm chân trắng tăng 19%, cá tra tăng 12%, tôm sú tăng 6%. Khai thác sụt giảm và những quy định chống khai thác IUU khiến doanh nghiệp chế biến mực không có nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.
5 sản phẩm thủy sản xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 8 vẫn là tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ, tôm sú và mực. Ảnh: Đỗ Hương |
8 tháng đầu năm, tôm chân trắng mang về doanh số xuất khẩu lớn nhất, với 1,76 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu tôm chân trắng sang EU tăng trưởng mạnh nhất trong top các thị trường tiêu thụ chính, tăng gần 18%. Trong đó, 3 thị trường lớn nhất trong khối là Đức, Hà Lan và Bỉ đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 12%, 24% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, còn nhiều thị trường khác cũng tăng đột phá nhập khẩu tôm thẻ của Việt Nam. Ví dụ, xuất khẩu sang Đan Mạch tăng 34%, sang Tây Ban Nha tăng 64%, sang Thụy Điển tăng 24%, sang Ailen tăng 63%, sang Rumani tăng 59%...
Mỹ là thị trường tiêu thụ nhiều nhất tôm chân trắng của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm chân trắng sang Mỹ 8 tháng đầu năm chỉ tăng gần 7%. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng khiêm tốn 2,4%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm sú cũng nằm trong top 5 loại thủy sản xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay, nhưng giá trị xuất khẩu giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 295 triệu USD. Tôm sú Việt Nam vẫn giữ được vị thế khá tốt ở Nhật Bản và EU, nên dù tình hình thị trường chung không mấy khả quan, xuất khẩu tôm sú sang 2 thị trường này vẫn tăng 7% và 10% so với cùng kỳ năm trước.
Với gần 1,3 tỷ USD, cá tra mang về doanh số xuất khẩu lớn thứ 2 trong 8 tháng năm nay, cao hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đến kỳ vọng nhất trong năm 2024 vẫn là thị trường Mỹ với kim ngạch 226 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và EU đều giảm nhẹ. Là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, nhưng do giá nhập khẩu thấp (chỉ dao động từ 1,9 - 2 USD/kg), nên xuất khẩu sang thị trường này không thể khởi sắc. Tình hình kinh tế khó khăn ở Trung Quốc khiến cho các nhà nhập khẩu nước này thận trọng hơn. Ngược lại, xuất khẩu cá tra sang các thị trường Nam Mỹ như Brazil, Colombia lại bứt phá rất tốt, tăng lần lượt 28% và 44%, đồng thời sang Mexico cũng tăng 18%.
Xuất khẩu cá ngừ 8 tháng đầu năm đạt 648 triệu USD, tăng 48%. Thế mạnh chủ lực của cá ngừ xuất khẩu là cá hộp tăng 19% và xuất khẩu cá ngừ nguyên liệu đóng hộp như loin cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu cá ngừ trong nửa đầu năm chủ yếu là từ lượng hàng dự trữ cuối năm và những tháng đầu năm.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi vấn đề nguyên liệu, xuất khẩu mực Việt Nam còn bị chi phối bởi sức tiêu thụ giảm trong bối cảnh kinh tế thế giới đang hồi phục chậm. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu mực giảm 6,5% đạt 220 triệu USD. Trong đó, chỉ có thị trường Trung Quốc tăng 22% nhập khẩu mực Việt Nam, xuất khẩu sang các thị trường chính khác đều giảm. Trong khi đó, xuất khẩu bạch tuộc tăng nhẹ 2,5% đạt 185 triệu USD.
Tăng trưởng 14,5%, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 mang lại tín hiệu tích cực cho cộng đồng ngành thủy sản, với niềm tin năm 2024, xuất khẩu sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức lớn đang ảnh hưởng đến ngành thủy sản xuất khẩu, như thẻ vàng IUU đối với thị trường EU, thuế chống trợ cấp tôm đối với thị trường Mỹ…