Nỗ lực về đích
Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ở trong nước và thế giới, doanh nghiệp xuất khẩu cả nước nói chung, miền Trung nói riêng, chịu nhiều tầng áp lực lớn, như: Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất tăng (một số địa phương áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”); đặc biệt, chi phí logistics không ngừng leo thang. Vượt qua những trở ngại đó, doanh nghiệp xuất khẩu linh hoạt thích ứng, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA)… và cán đích năm 2021 với kết quả tăng trưởng ấn tượng ở mức 2 con số.
Bốc dỡ hàng tại Cảng Đà Nẵng |
Kết thúc năm 2021, GRDP Bình Định tăng trưởng 4,11%; trong đó, điểm sáng tích cực nhất trong kinh tế tỉnh là kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đạt 1,33 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2020. Đặc biệt, dù dịch Covid-19 phức tạp, ngành gỗ Bình Định có bứt phá đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với kim ngạch xuất khẩu 890 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh.
Tại Quảng Nam, trong khi GRDP năm 2021 tăng 5,04% so với năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu bật tăng mạnh, đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu nổi bật với 1,48 tỷ USD, tăng tới 40,5%.
TP. Đà Nẵng - địa phương chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại miền Trung, GRDP thành phố năm 2021 chỉ tăng 0,18% so với năm 2020. Một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế thành phố thoát tăng trưởng âm là kim ngạch xuất khẩu duy trì được đà mức tăng ấn tượng 15,4% so với năm 2020, đạt 1,81 tỷ USD. Đây cũng là chỉ số kinh tế tăng trưởng cao nhất của TP. Đà Nẵng trong năm 2021.
Tương tự, so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tại các địa phương khác tại miền Trung đều tăng mạnh vượt kế hoạch, như Quảng Ngãi đạt 1,68 tỷ USD, tăng 19,3%; Thừa Thiên Huế hơn 1,02 tỷ USD, tăng 19,2%..., trở thành yếu tố quan trọng trong đảm bảo tăng trưởng GRDP của địa phương.
Vững vàng trong gian khó
Ông Hà Phước Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng (DRC) - cho biết, một trong những yếu tố nổi bật giúp doanh nghiệp đứng vững và vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 chính là những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia. “Các FTA mang lại những cơ hội xuất khẩu lớn cho doanh nghiệp, đó cũng là ưu thế cạnh tranh lớn của doanh nghiệp Việt trên sân chơi chung toàn cầu” - ông Lộc đánh giá. Kết thúc năm 2021, doanh thu xuất khẩu của công ty đạt hơn 110 triệu USD, tăng trưởng tới hơn 30% so với năm 2020.
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty Hương Quế Đà Nẵng - cho hay, EVFTA đã mang lại nhiều đơn hàng hơn, chất lượng đơn hàng cũng tốt hơn. Hiện, người lao động công ty đang tăng ca để kịp đơn hàng cho tháng 1/2022, đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2022.
Theo ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, ngành gỗ nói riêng, vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn như thiếu tàu vận tải biển dẫn tới chi phí logistics tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng và dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Để duy trì sản xuất và tăng trưởng, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp trong hoàn thiện chất lượng sản phẩm, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng cảng biển, cắt giảm các loại phí trong lĩnh vực hàng hải, cho phép đội tàu của các hãng tàu nước ngoài cùng tham gia khai thác tuyến vận chuyển nội địa, tăng lượng container và tàu biển nhằm hỗ trợ giảm giá cước vận tải biển các tuyến Hoa Kỳ, Anh, EU... Đồng thời, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, hầu hết là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, có đủ thời gian thích nghi và tuân thủ tất cả các quy định, yêu cầu về phân loại doanh nghiệp theo lộ trình thực hiện cam kết trong EVFTA cũng như Hiệp định giữa Hoa Kỳ - Việt Nam.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung năm 2022, các địa phương đều đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức từ 10 - 14% so với năm 2021. |