Bản tin Điểm nóng 24h ngày 11/7 có những nội dung sau:
Hàng xóm nói gì về người phụ nữ dùng xyanua đầu độc người thân?
Căn nhà tại nơi nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích cư trú là 1 quán cơm nay đã đóng cửa, không còn buôn bán khoảng 1 tuần nay kể từ khi công an bắt giữ Bích và thực hiện lệnh khám xét căn nhà. Bà Trâm, người bán quán nước gần nhà Bích cho hay, những người trong gia đình Bích là dân địa phương nên ai cũng biết. Cha mẹ của Bích và người anh trai đầu định cư ở Mỹ từ lâu, còn căn nhà này là của anh L.- anh trai thứ hai của Bích cho vợ chồng Bích ở mở quán cơm kinh doanh. Còn vợ chồng anh L. mở tiệm kinh doanh tạp hóa ở nơi khác buôn bán. Gần đây, do Bích không mở quán nữa nên anh L. tiếp tục bán cơm.
Nói về việc những người thân trong gia đình Bích lần lượt tử vong trong thời gian ngắn, bà và nhiều người dân ở đây cũng chỉ nghĩ là họ đau bệnh, do ông H. vốn đã bị đột quỵ. Một cháu bé tử vong là con của người em gái của Bích thì ở nhà khác. Đến khi biết chuyện Bích giết người, hàng xóm ai cũng bàng hoàng.
Ông H. một người dân ở gần nhà nghi phạm (đề nghị không nêu tên) cho biết, lâu nay có nghe Bích bài bạc, chơi số đề. Khi mở quán cơm, nhưng nghi phạm không trực tiếp buôn bán mà thuê người làm rồi cuối cùng phải dẹp quán. “Chồng của Bích cũng là người dân địa phương, khi ông này chết, ai cũng tưởng là do đau bệnh, không ngờ nay lại có tin rằng bị vợ mình đầu độc” - ông H. nói.
Vĩnh Thanh là địa bàn có đông giáo dân từ miền Bắc di cư vào Nam từ những năm 1954 và cư trú qua nhiều thế hệ nên người dân ở đây đều biết nhau, sống nề nếp và cư xử hòa thuận, ít khi xảy ra những vấn đề phức tạp liên quan đến pháp luật. Vì vậy, việc một phụ nữ dùng chất độc xyanua đầu độc nhiều người thân trong gia đình là chuyện không ai ngờ được. Ông Trần Hoàng Sự, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thanh cho biết: “Dư luận tại địa phương quan tâm và cũng lan truyền nhiều thông tin. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ. Trước khi xảy ra vụ việc, Bích cũng là người làm ăn bình thường, chưa có tiền án, tiền sự”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC bất ngờ có 5 luật sư bào chữa khi bị truy nã?
Hôm nay (11-7), đại diện VKSND TP.HCM sẽ nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 14 bị cáo bị xét xử về các tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM (Trung tâm CNSH).
Hôm qua, HĐXX đã dành một ngày để xét hỏi các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Trong vụ án này, 4 bị cáo đang trốn truy nã, gồm cựu chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà và trưởng văn phòng đại diện AIC tại TP.HCM Trần Đăng Tấn bị xét xử vắng mặt về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng Đỗ Vân Trường (cựu tổng giám đốc Công ty CP Mopha) bị xét xử vắng mặt về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước ngày mở phiên xét xử, TAND TP.HCM đã phát thông báo kêu gọi 4 bị cáo này ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng, đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định.
Theo chủ tọa, HĐXX đã tống đạt hợp lệ và thực hiện các biện pháp theo thủ tục tố tụng, nên đã quyết định xét xử vắng mặt bị cáo Nhàn cùng 3 đồng phạm. Dù xét xử vắng mặt, nhưng bị cáo Nhàn và 3 đồng phạm vẫn có luật sư bào chữa.
Trong đó, bị cáo Nhàn có 5 luật sư bào chữa, gồm:
Hai luật sư do tòa chỉ định bào chữa cho bị cáo Nhàn là luật sư Nguyễn Ngọc Trâm - Đoàn Luật sư TP.HCM và luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết - Đoàn Luật sư Hà Nội (luật sư Tuyết được cơ quan điều tra chỉ định trong giai đoạn điều tra vụ án).
3 luật sư bào chữa thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội là luật sư Hoàng Văn Hướng, Nguyễn Thanh Tùng và Vũ Hoàng Nhật Tân.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Văn Hướng và luật sư Nguyễn Thanh Tùng cho biết 3 luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội được người thân của bà Nhàn mời bào chữa cho bà Nhàn trong phiên tòa này.
Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xét xử vắng mặt với cáo buộc chỉ đạo cấp dưới thiết lập các công ty “quân xanh, quân đỏ” để Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng 8 gói thầu mua sắm thiết bị 12 phòng thí nghiệm với giá đã được nâng khống lên 40% để hưởng lợi, gây thiệt hại cho nhà nước 94,6 tỉ đồng.
Nghi phạm bắn chết cô gái 22 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) khai gì?
Ngày 10/7, sau một tuần bỏ trốn khi gây ra vụ nổ súng khiến cô gái 22 tuổi ở Long Biên, Hà Nội tử vong, nghi phạm Đinh Xuân Sáng (SN 1984, trú tại Thanh Nguyên, Thanh Liêm, Hà Nam) vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội bắt giữ.
Trước đó, Đinh Xuân Sáng gây án rồi bỏ trốn nên Công an Hà Nội ra quyết định truy nã. Sau 7 ngày đêm kiên trì theo dấu đối tượng, đến khoảng 0h ngày 10/7, người này bị hàng chục cảnh sát và lực lượng biên phòng bắt giữ khi trên đường lẩn trốn tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.
3 nghi phạm liên quan vụ án |
Theo lời khai của các đối tượng và tài liệu công an làm rõ, khoảng 19h30 ngày 2/7, chị T.Q.H (SN 2002, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nạn nhân) cùng một số người bạn đến dự sinh nhật tại phường Bưởi, quận Tây Hồ. Đến 1h ngày 3/7, họ di chuyển về nhà một người khác tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Tại đây, một người trong nhóm của chị H có lời nói gây mâu thuẫn với nhóm của Sáng nên Sáng và Vũ Thành Quang (SN 1994, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) rủ Nguyễn Xuân Đạt (SN 1991, trú tại Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi đánh nhau với nhóm của chị H.
Sáng mang theo khẩu súng bắn đạn bi rồi cùng đồng bọn lên xe ô tô đi tìm đối phương. Thấy nhóm của Sáng, chị H và bạn bỏ chạy thì bị Sáng lái xe đuổi theo. Đến ngõ 264 đường Ngọc Thụy (quận Long Biên), Sáng chĩa súng bắn về phía nhóm chị H rồi bỏ trốn. Hậu quả, chị H trúng đạn và tử vong sau đó.