Trong báo cáo về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cụ thể, trong số hơn 38.578 tỷ đồng nói trên, có hơn 11.231 tỷ đồng vốn ngân sách T.Ư của 11 bộ và 3 địa phương; vốn nước ngoài nguồn ngân sách T.Ư hơn 1.064 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 26.579 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị chưa phân bổ vốn đầu tư công được giao |
11 bộ, cơ quan chưa phân bổ vốn đầu tư được giao gồm: Văn phòng T.Ư Đảng, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; 3 địa phương gồm: Cao Bằng, Đồng Nai, Quảng Nam.
Về giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tính đến ngày 30/4/2022, vốn ngân sách nhà nước ước thanh toán hơn 95.724 tỷ đồng, đạt 18,48% kế hoạch được giao.
Trong đó, vốn trong nước hơn 94.592 tỷ đồng, đạt 19,57% kế hoạch Chính phủ giao; vốn nước ngoài hơn 1.131 tỷ đồng, đạt 3,25% kế hoạch.
Cũng theo báo cáo, có 7 bộ và 8 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng Phát triển (59,64%), Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%).
Bên cạnh đó, vẫn có 17 bộ, cơ quan T.Ư chưa giải ngân gồm: Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, T.Ư Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những nguyên nhân chính khiến việc giải ngân chậm là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế.