Kiểm soát chặt chất lượng muối nhập khẩu Đại biểu Quốc hội đau lòng khi Việt Nam phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu muối Giá muối xuống thấp, diêm dân không mấy "mặn mà" |
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Lê Minh Hoan tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 15/8, đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội nói rằng: Việt Nam có biển như thế này, nắng như thế này, kinh nghiệm của nhân dân làm muối như thế này, mà vẫn phải bỏ cả tỉ USD nhập khẩu muối. Ông cảm thấy rất đau lòng!
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn |
Đại biểu cũng mong rằng Thủ tướng Chính phủ có biện pháp giúp đỡ diêm dân nâng cao sản lượng, chất lượng sản xuất muối, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đồng thời, Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về những giải pháp cụ thể để Việt Nam sử dụng đủ muối dùng, không phải nhập khẩu và để diêm dân có thể sống bằng nghề của mình. “Chỉ cần Nhà nước đầu tư cho diêm dân mua bạt trải ra để làm muối sạch, thì diêm dân sẽ sống được với nghề muối”, ông nói.
Liệu giải pháp chỉ đơn giản là mua bạt trải ra để làm muối sạch? Vì sao diêm dân Việt Nam vẫn nghèo? Tại sao nước Lào chẳng có mét biển nào, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu muối lớn trên thế giới? Vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu muối?
Đi sâu vào vấn đề nguồn cung muối để thấy, theo các chuyên gia, muối tự nhiên là muối Natri clorua (NaCl). Natri clorua tồn tại ở dạng hòa tan trong nước biển, làm cho nước biển có vị mặn. Diêm dân khai thác NaCl từ nước biển, cho bay hơi từ từ và thu được muối kết tinh.
Cánh đồng muối Bạc Liêu |
Thứ hai đó là muối mỏ. Đây là muối NaCl kết tinh trong lòng đất, dưới dạng các mỏ muối với khối lượng lớn. Những mỏ muối này có nguồn gốc từ những hồ nước mặn đã cạn đi từ hàng triệu năm. Để khai thác, ở những nơi có mỏ muối, người ta đào hầm hoặc giếng sâu đến mỏ muối để lấy muối lên. Muối mỏ sau khi khai thác, được nghiền nhỏ và tinh chế để có muối sạch.
Bên cạnh đó, có rất nhiều mỏ muối lộ thiên, chỉ cần bóc đi một lớp đất là có thể thu hoạch. Chính vì thế, muối mỏ giá thành rẻ chỉ bằng 1/20 so với muối sản xuất từ nước biển, lại sạch hơn muối làm từ nước biển rất nhiều. Với những mỏ muối nằm sâu dưới lòng đất, thì chi phí khai thác sẽ cao hơn những vẫn thấp hơn nhiều so với sản xuất muối từ nước biển.
Đường vào mỏ muối đá Fairport Harbor Morton chính thức được khai thác vào năm 1959 tại khu vực Fairport Harbor, bang Ohio. |
Lào và Thái Lan đều có muối mỏ. Tuy nhiên, Việt Nam thì không có muối mỏ và phải lấy nước biển để làm muối.
Theo thông tin nghiên cứu, nước biển ở Việt Nam có trọng lượng riêng khoảng 1,028kg/lít, trong đó chứa khoảng 35g muối. Vậy, có thể nói, nước biển mặn 35g/ lít nước (tương ứng với 35‰).
Tại xứ sở "biển chết" (nằm giữa Jordan, Palestine và Israel) một trong những hồ nước mặn nhất thế giới với nồng độ muối lên tới 33,7% - tức là cao gấp gần 10 lần so với hàm lượng muối ở nước biển Việt Nam. Tuy nhiên, muối của họ sản xuất ra cũng khó cạnh tranh được với muối mỏ.
Bởi lẽ, chỉ cần mất 1.000 đồng/kg để nhập khẩu muối loại muối tinh khiết, trong khi muối làm từ nước biển, giá thành sản xuất lên tới 3.000 đồng/kg.
Tại Việt Nam, giá muối có sự biến động cao về giá tùy theo thời điểm và từng địa phương. Giá muối thủ công dao động từ 600 - 3.500 đồng/kg; giá muối sản xuất quy mô công nghiệp dao động từ 650 - 2.500 đồng/kg; giá muối nhập khẩu: muối tinh dạng mịn từ 37 - 39 USD/tấn chưa bao gồm thuế nhập khẩu (820 đồng – 920 đồng/kg), muối công nghiệp từ 34-38 USD/tấn chưa bao gồm thuế nhập khẩu (790 đồng – 890 đồng/kg). Người sản xuất muối thủ công cơ bản đang bán muối thô, chất lượng thấp nên giá bán thấp, khó tiêu thụ. |
Mỗi ruộng muối của diêm dân đem phơi cả ngày cũng chỉ được chục kg muối, thì làm sao nuôi sống nổi diêm dân. Đây cũng là lý do tại nhiều nước họ bỏ nghề làm muối biển và chuyển sang dùng muối mỏ.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 400 - 600 nghìn tấn muối trắng có độ tinh khiết cao (chủ yếu từ nguồn muối mỏ) để phục vụ các ngành công nghiệp, phần lớn là ngành công nghiệp hóa chất, trong đó có sản xuất xà phòng cần rất nhiều muối NaCL. Ngoài ra, có vài chục nghìn tấn muối đặc biệt sạch được nhập về để phục vụ ngành y tế.
Muối biển không chỉ chứa NaCl, mà trong thành phần còn có các chất khác vì thế chủ yếu sử dụng làm muối ăn, làm gia vị, ướp cá để làm nước mắm.
Tại cuộc họp báo cáo tổng quan phát triển ngành muối Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/7/2023, ông Lê Đức Thịnh - ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – nhận định, chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, y tế nên vẫn phải nhập khẩu muối. Lượng muối của các đồng muối công nghiệp trong nước chủ yếu phục vụ chế biến muối tinh, cung cấp muối cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nên cạnh tranh trực tiếp với muối do diêm dân sản xuất.
Diêm dân trên cánh đồng muối trắng |
Dự báo đến năm 2030, ngành công nghiệp hóa chất của Việt Nam cần tới 1,3 triệu tấn muối mỗi năm, do đó lượng muối cần nhập khẩu sẽ còn cao hơn gấp đôi so với hiện nay.
“Chấm dứt nhập khẩu muối là bài toán khó, cũng giống như đất nước đang sản xuất than nhưng phải nhập khẩu than, sản xuất gạo nhưng vẫn nhập khẩu gạo”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định và cho biết, muối dùng trong công nghiệp hóa chất và các lĩnh vực công nghiệp khác đòi hỏi phải tinh chất. Vì vậy, các cơ quan cần quá trình tìm giải pháp công nghệ để chất lượng muối trong nước đáp ứng yêu cầu về tinh chất phục vụ công nghiệp.
Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng để phát triển ngành sản xuất muối, với chiều dài bờ biển 3.260 km kéo dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, cùng khí hậu nhiệt đới, nước biển nóng, có độ mặn cao. Tổng trữ lượng muối của nước ta khoảng 120 - 130 tỷ tấn muối.
Nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ngày 23/5/1955, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 535/TTg, thành lập Sở Muối trực thuộc Bộ Tài chính để quản lý và phát triển sản xuất muối và trong thống kê kinh tế - xã hội, ngành muối (bao gồm cả sản xuất và phân phối) trở thành một ngành kinh tế quốc dân độc lập.
Kể từ đó đến nay, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ, các Bộ, Ngành và địa phương ban hành nhiều hướng dẫn tổ chức triển khai phát triển của ngành muối nhằm hỗ trợ sinh kế và thu nhập cho hàng vạn hộ diêm dân.
Nghề làm muối truyền thống ở nước ta có từ lâu đời, đã đi sâu vào lịch sử, tâm linh, tiềm thức, thơ ca của con người Việt như Đền Bà chúa muối ở Thái Bình, việc sản xuất gắn với tập quán canh tác, mang đậm bản sắc dân tộc của mỗi vùng miền.
Diêm dân cần cù, chịu khó, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối và có thể tạo ra loại muối phơi cát chứa nhiều loại khoáng chất rất tốt cho sức khỏe con người, khi dùng làm thức ăn hàng ngày. Với ưu điểm này, hiện nay, sản phẩm muối của Việt Nam đã chinh phục thành công các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... với số lượng xuất khẩu ngày càng tăng.
Mặc dù, chúng ta có thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng nghề muối sẽ vẫn mai một nếu như giá trị của sản phẩm muối quá thấp.
Giải bài toán này cần một giải pháp xuyên suốt, đó là ngành muối phải trở thành ngành kinh tế chứ không phải ngành sản xuất. “Chúng ta cần phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn từ từng hạt muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Và chỉ khi đó, diêm dân mới sống được với nghề muối.