Trang web giới thiệu giao hàng thức ăn trực tuyến |
Tốc độ phát triển chóng mặt
Vừa qua, Grab Việt Nam đã chính thức cho ra mắt Grabfood tại thị trường Hà Nội. Trước đó, GrabFood được thử nghiệm vào tháng 5/2018 tại TP. Hồ Chí Minh, chính thức triển khai vào tháng 6/2018 và đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng qua từng tháng. Theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2017, mới chỉ có 30% số người dân thành thị sử dụng dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; 6 tháng đầu năm 2018, con số này đã lên tới hơn 70%. Như vậy, chỉ trong một năm, lượng người dùng dịch vụ này đã tăng tới 40%, mặc dù mới chỉ giới hạn ở khu vực thành thị - nơi tập trung lượng lớn dân văn phòng.
Ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam - cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, GrabFood đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Thậm chí, “con số thống kê về tốc độ tăng trưởng được cập nhật qua từng tháng, không phải từng quý hay năm” - ông Jerry Lim nhấn mạnh. Đơn cử, tháng 9/2018, số lượng đơn hàng GrabFood đã tăng gấp 2,3 lần so với tháng trước đó. Tại Hà Nội, GrabFood được thử nghiệm ngày 5/9/2018, sau gần 1 tháng, số lượng đối tác kinh doanh tăng gấp 8 lần.
Trước khi GrabFood xuất hiện, khách hàng Việt chủ yếu gọi giao hàng đồ ăn qua các trang: Lalamove, Hungry.vn, Chonmon.vn… và phổ biến nhất là Now.vn (khởi phát từ trang web ẩm thực Foody.vn). Đây đều là những dịch vụ giao thức ăn chuyên nghiệp theo yêu cầu của khách hàng. Hiện, Now.vn có gần 40.000 nhà hàng, quán ăn là đối tác với hàng trăm nghìn món ăn.
Tiềm năng nhưng không dễ dàng
Khác với giao nhận truyền thống thuần túy là chỉ vận chuyển hàng hóa, dịch vụ giao hàng thức ăn cần đáp ứng rất nhiều yếu tố đặc thù, như: Thời gian giao - nhận rút ngắn tối đa, hỗ trợ thanh toán, tích hợp vào hệ thống online của người bán, tương tác với khách hàng và đặc biệt là giá.
Doanh nghiệp phải cùng lúc giải được nhiều bài toán như: Tối ưu hóa việc vận chuyển cho cả đối tác và khách hàng; công tác hậu cần, bán hàng, bảo hành… mới có thể có hướng đi lâu dài. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp phải có nền tảng tích hợp công nghệ cao, quy trình tương đối chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu đa dạng khác nhau của khách hàng. Đồng thời, phải có sự liên kết chặt chẽ với đối tác kinh doanh, phối hợp thực hiện các chương trình ưu đãi… Đơn cử, ứng dụng Now.vn thường áp dụng chính sách bên bán và bên mua cùng chung một quận hoặc liền kề sẽ được miễn phí giao nhận hoặc mức thu phí thấp, với điều kiện giá trị đơn hàng phải đạt được “doanh số”. Cùng với phương châm “một món cũng giao”, Now.vn đã có tầm phủ sóng ở nhiều đô thị lớn, số lượng nhân viên chính thức và tự do lên tới hàng chục nghìn lao động.
Để cạnh tranh, bên cạnh ưu đãi giá, GrabFood ra đời với phiên bản ứng dụng dành riêng cho các đối tác kinh doanh. Theo đó, đối tác kinh doanh của Grab có thể cập nhật thông tin giờ mở cửa, thực đơn thay đổi, hay cửa hàng đã hết một món ăn nào đó ngay trên ứng dụng Grab...
Có thể nói, ứng dụng giao hàng đồ ăn thực sự là “mảnh đất” màu mỡ nhưng cũng không dễ khai thác, đặc biệt khi ngày càng phải cạnh tranh với những đơn vị đã có sẵn nền tảng dịch vụ, được đầu tư lớn… Theo các chuyên gia ở lĩnh vực này, các chuỗi nhà hàng/quán ăn cùng đơn vị giao thức ăn tận nơi cần có sự hợp tác, có hình thức hấp dẫn khuyến mại hấp dẫn người dùng để phát triển mảng dịch vụ này.
Theo báo cáo của Euromonitor - công ty chuyên nghiên cứu thị trường toàn cầu, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm nay, dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. |