Phí đổi tiền cao “ngất ngưởng”
Cận Tết, dịch vụ đổi lẻ, tiền mới đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lẻ" trên các mạng xã hội, hàng chục website, hội nhóm cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra như "Dịch vụ đổi tiền", "Đổi tiền Tết", "Đổi tiền giá rẻ"... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian cao điểm cận Tết Nguyên đán.
Trong vai người có nhu cầu đổi tiền mới liên hệ với chủ shop đổi tiền online, phóng viên nhận được lời quảng cáo tất cả tiền lẻ mệnh giá nhỏ đến tiền mệnh giá lớn nguyên seri đều luôn sẵn hàng. Tiền có mệnh giá nhỏ phí đổi cao hơn các mệnh giá khác từ 10 - 15%, còn lại phí đồng giá từ khoảng 6 - 8%. Thậm chí, một số chủ shop online còn "phá giá" để mức phí đổi chỉ có 2% cho các mệnh giá nhưng yêu cầu khách phải đặt cọc, chuyển khoản trước 10% giá trị tiền đổi và nhận hàng qua một bên thứ ba. Và khi nhận đủ hàng thì giao nốt số tiền còn lại.
Không chỉ cá nhân, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới liên tiếp xuất hiện với quy mô lên với cả nghìn thành viên. Hầu hết quy tắc trong các nhóm là khách phải tự nhắn tin hoặc gọi điện theo hướng dẫn, người bán chỉ đưa ra phần trăm phí đổi, không giao dịch trong nhóm. Các đại lý đều đưa ra mức phí đổi từ 4 - 15%, tùy mệnh giá. Mức phí này sẽ thay đổi liên tục theo thời gian, càng cận tết sẽ càng tăng thêm khoảng 1 - 2%. Vì vậy, trước khi đổi tiền, các đại lý thường hỏi khách về mệnh giá và số lượng giao dịch.
Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới sôi động, “nở rộ” qua mạng dịp cận Tết |
Thêm vào đó, chủ shop này còn quảng cáo muốn đổi bao nhiêu tiền cũng có, mệnh giá nào cũng có. Đổi tiền với số lượng lớn từ 100 triệu đồng trở lên sẽ có mức phí “mềm” hơn. Cụ thể, các loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, đổi cọc 100 tờ mới sẽ mất phí lần lượt là 15.000 đồng và 20.000 đồng. Trong khi đó, cọc 100 tờ mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng sẽ mất phí lần lượt khoảng 180.000 đồng và 400.000 đồng.
Để thu hút khách hàng, hầu hết các chủ shop đều quảng cáo như: Tiền thật 100%, tiền nguyên cọc, nguyên seri, nói không với tiền lướt, giao hàng nhanh, đổi càng sớm phí càng rẻ. Không chỉ các website, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới trên Facebook, Zalo… cũng xuất hiện với cả nghìn thành viên. Một quy tắc “bất di bất dịch” được đặt ra là khách phải tự nhắn tin hoặc gọi điện theo hướng dẫn, người bán chỉ đưa ra phần trăm phí đổi, không giao dịch trong nhóm.
Một cửa hàng chuyên đổi tiền lẻ, tiền mới ở quận Thanh Xuân tiết lộ, khách chỉ cần báo mệnh giá, số lượng khoảng 3 giờ là có hàng. Bên cạnh đó, năm nay nguồn tiền lẻ khá khan hiếm nên ngoài đổi tiền mới, chủ shop cho biết còn nhận đổi cả tiền “lướt”, độ mới từ 80 - 90% với chi phí mềm hơn, chỉ từ 3 - 4% cho các mệnh giá.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, dân buôn tiền trên các chợ mạng còn rao bán cả tiền lì xì, tiền độc, tiền hiếm của nhiều nước. Đáng chú ý, linh vật năm 2022 là hổ nên thị trường cũng ngập tràn những tờ tiền có hình tượng con hổ. Đặc biệt, tờ 2 USD in hình con hổ mạ vàng được nhiều người săn lùng. Bởi theo quan niệm của nhiều người, tờ 2 USD là đồng tiền tượng trưng cho may mắn, tài lộc, còn con hồ là linh vật của năm 2022 - năm Nhâm Dần. Tờ 2 USD in hình con hổ mạ vàng có giá từ 150.000 đồng/tờ, còn 2 USD thường là 50.000 đồng/tờ. Tiền xu Úc mạ vàng hình con hổ là 110.000 đồng/xu, mạ bạc là 150.000 đồng/xu...
Tờ 2 USD in hình con hổ mạ vàng thu hút nhiều người đổi |
Bên cạnh đó, các mẫu tiền nước ngoài cũng thu hút khách mua như tiền hình hổ được quảng cáo là của Macao với thiết kế mạ ánh kim bắt mắt có giá chỉ khoảng 79.000 đồng/set 20 chiếc. Tờ tiền 10 rupee được quảng cáo là của Ấn Độ in hình tê giác, voi và hổ có giá 35.000 đồng/tờ, tiền xu được quảng cáo là của Mông Cổ in hình hổ có giá 100.000 đồng.
Cảnh giác với rủi ro
Thị trường đổi tiền khá náo nhiệt nhưng không thiếu những rủi ro tiềm ẩn. Chia sẻ về một lần mất tiền vì của đổi tiền qua mạng, chị Lê Thư (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do tin tưởng shop online do được người bạn giới thiệu nên đã chuyển khoản trước cho bên cung cấp dịch vụ nhưng số tiền nhận lại không đúng với thoả thuận trước đó.
“Do có nhu cầu đổi tiền để lì xì ngày Tết, tôi đã chuyển khoản để chốt đơn hàng với chủ shop online qua Facebook. Cho đến khi nhận được số tiền cần đổi, tôi mới phát hiện bị thiếu so với cam kết. Đáng nói, chủ tài khoản Facebook sau giao dịch cũng đã chặn tài khoản của tôi nên không thể liên lạc được” - chị Lê Thư cho hay.
Trong khi đó, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền. Theo Điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã quy định rõ, hành vi đổi tiền trái phép có thể bị phạt lên tới 80 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần. Việc mua bán ngoại tệ không được cấp phép cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, từ nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp Tết Nguyên đán. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu kể từ năm 2021, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả nhân viên, cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Vào dịp cuối năm, trong các hội nhóm hàng mua bán tiền trên mạng xã hội có nhiều tố cáo các chiêu trò đổi tiền bịp bợm của những nạn nhân. Một trong những chiêu trò thường gặp nhất là viện cớ ít hàng, khan hàng rồi đưa người mua vào bẫy, yêu cầu đặt cọc rồi biến mất... Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thận trọng, không nên đổi tiền, mất phí, nhất là sử dụng dịch vụ đổi tiền online; đồng thời mỗi người dân cần trang bị những kiến thức cơ bản nhận biết tiền thật, tiền giả tránh tình trạng "tiền mất tật mang".