Sản xuất bền vững: Ngành dệt may chủ động chuyển đổi xanh EU thu hẹp phạm vi thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp |
Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã khai trương Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex, nhằm hiện thực hoá mục tiêu một điểm đến cung cấp trọng gói sản phẩm, đồng thời hiện thực mục tiêu tăng trưởng xanh. Ông Vương Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chia sẻ với truyền thông xung quanh nội dung này.
Thị trường dệt may nhu cầu còn yếu khiến sức ép cạnh tranh ngày một nặng nề Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói riêng, doanh nghiệp dệt may trong nước đã ứng phó ra sao, thưa ông?
Trong 2 năm qua, thị trường dệt may suy giảm nhưng không phải tất cả doanh nghiệp trong ngành đều khó khăn. Những doanh nghiệp có hướng đi, có đội ngũ nhân sự bài bản, chuyên nghiệp, sáng tạo vẫn hấp dẫn được khách hàng, đơn hàng vẫn tăng không giảm.
Ông Vương Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex |
Ngược lại, những doanh nghiệp thuần gia công gặp rất nhiều thách thức bởi cạnh tranh ở khu vực này rất lớn. Hệ thống hơn 13.000 doanh nghiệp dệt may đa phần là làm gia công may đơn thuần, sự cạnh tranh không chỉ ở Việt Nam mà còn đến từ các quốc gia khác như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan… Hiện lương công nhân ở các quốc gia này chỉ bằng 1/3 của Việt Nam. Vì khó khăn như thế nhiều doanh nghiệp đang rất lao đao, thậm chí phải đóng cửa.
Toàn bộ hệ thống doanh nghiệp làm hàng dệt may của Việt Nam trong lúc khó khăn đó đều phải tìm hướng đi phù hợp cho bản thân. Dựa trên năng lực sẵn có Tập đoàn lựa chọn khu vực năng suất lao động sáng tạo để tạo giá trị gia tăng và hấp dẫn khách hàng.
Mới đây, Tập đoàn đã khai trương Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex (Trung tâm). Đây không chỉ là bước tiến sâu hơn vào khu vực năng suất lao động sáng tạo, tạo giá trị gia tăng lớn mà còn là đầu kéo khi thị trường phục hồi trở lại Tập đoàn có sẵn lực đẩy để thực hiện mục tiêu trở thành một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói cho khách hàng thời trang. Cũng là duy trì được vị thế vững chắc trong bối cảnh thị trường đầy bất định.
Được biết, Trung tâm ra đời đã khép kín chuỗi cung ứng dệt kim nội bộ, theo ông mức cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm này ra sao?
Thách thức lớn nhất của Trung tâm chính là áp lực phải đổi mới liên tục, sáng tạo liên tục và không có điểm ngừng. Với các doanh nghiệp làm may nếu họ không phát triển làm FOB (nguyên liệu, sản xuất) thì còn đường lùi làm CM (sản xuất) nhưng với Trung tâm phải thường xuyên đổi mới mẫu mã, liên tục tạo ra năng suất lao động đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị gia tăng để hấp dẫn, giữ chân khách hàng và tạo niềm tin đi đường dài cùng Tập đoàn.
Về mục tiêu khi thành lập Trung tâm, chúng tôi xác định củng cố tăng cường chuỗi liên kết nội bộ trước mắt với nhóm hàng dệt kim. Tập đoàn hiện có nhà máy kéo sợi, dệt hoàn tất. Sắp tới chúng tôi khép kín bằng cách làm hàng may mặc dệt kim cho khách hàng cuối cùng.
Hàng dệt kim là khu vực cạnh tranh rất cao không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia làm hàng dệt may khác. Chúng tôi tin tưởng sẽ chiếm ưu thế ở thời gian giao hàng, quản lý đơn hàng và chất lượng cho khách hàng bởi chúng tôi có chuỗi cung ứng nội bộ. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do khi sản phẩm may mặc cuối cùng đáp ứng được quy tắc xuất xứ rất chặt chẽ từ vải trở đi trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, hay từ sợi trở đi trong Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Khai trương Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex. Ảnh: Cao Nam |
Các hãng thời trang trên thế giới có chuỗi khép kín chặt chẽ và xây dựng được thương hiệu trong nhiều năm, vậy bài toán đặt ra cho Tập đoàn khi chen chân vào lĩnh vực dệt kim là gì, thưa ông?
Các hãng thời trang lớn không sở hữu nhà máy. Họ chính là người mua hàng chứ không phải là đối thủ cạnh tranh của Tập đoàn. Với Trung tâm, Tập đoàn tạo ra khu vực để góp thêm giá trị gia tăng cho người mua hàng là các hãng thời trang lớn. Trước đây họ phải có đội ngũ thiết kế nay chúng tôi làm thay. Họ có thể đưa ra ý tưởng ban đầu, chúng tôi hiện thực hoá ý tưởng đó thông qua các thiết kế 3D, tạo ra mẫu trực tiếp ngay tại Trung tâm. Như vậy khách hàng nhận được nhiều giá trị hơn từ nhà cung cấp.
Tập đoàn chưa định hướng thời gian đầu xây dựng một thương hiệu nội địa riêng. Để cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài, chúng tôi xác định đó là con đường trong dài hạn. Đã từng có các thương hiệu nội địa đi trước chúng ta 10-15 năm, nhưng để cạnh tranh được ở thị trường quốc tế với các thương hiệu lớn còn rất khó khăn. Do vậy chúng tôi xác định từng bước để đổi mới sáng tạo liên tục, dần hình thành những thương hiệu của Tập đoàn đủ sức cạnh tranh ở khu vực, từng bước vươn tầm quốc tế.
Theo ông, Trung tâm ra đời sẽ mang lại những giá trị gì cho Tập đoàn nói riêng, ngành dệt may nói chung?
Trước đây chúng ta chủ yếu làm gia công cho khách hàng, sản xuất theo tài liệu kỹ thuật sẵn có thì nay bước vào khu vực giá trị cao hơn, tạo nhiều giá trị gia tăng hơn trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Chúng tôi có thể thiết kế mẫu, thư viện nguyên phụ liệu để khách hàng lựa chọn hết sức đa dạng phong phú, báo giá trong thời gian sớm nhất. Sau đó chúng ta cũng có đội ngũ có thể quản lý đơn hàng tại các nhà máy lớn, quá trình cuối cùng là giao hàng cho khách hàng.
Ngoài những khách hàng lớn có thể chủ động thiết kế nguyên liệu, còn nhiều khách hàng ở khu vực thị trường mới như Trung đông chúng tôi cung cấp dịch vụ thiết kế và chào mẫu, chào nguyên liệu để làm FOB, ODM (nguyên liệu, thiết kế, sản xuất).
Khi liên kết chuỗi giá trị chúng ta thu lại dựa trên sản phẩm quần áo cuối cùng chứ không tính tách biệt từ khu vực sợi, dệt, nhuộm, may riêng. Khi thị trường biến động mà vẫn giữ được đầu cuối là thị trường may thì ngành sợi, dệt nhuộm vẫn sống. Ở đây hiệu quả duy trì cho cả chuỗi, giá trị đó rất khó đong đếm nhưng nhìn thấy tính ổn định của chuỗi khi thị trường gặp khó khăn.
Phản ứng của nhà mua hàng về Trung tâm này như thế nào, thưa ông?
Tâm lý của khách hàng muốn tìm đến đơn vị có đủ quy mô, uy tín để đi đường dài và tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại. Với sự hình thành của Trung tâm, Tập đoàn càng hấp dẫn khách hàng hơn khi mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.
Mặt khác việc hình thành Trung tâm đạt tiêu chuẩn công trình xanh, là giải pháp mà tập đoàn định hướng đến để phát triển bền vững. Trung tâm được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, theo xu hướng xanh, bền vững, nằm trong chiến lược thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tòa nhà Trung tâm đã đạt chứng chỉ công trình xanh Gold Lotus – chứng nhận của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (tương đương chứng nhận LEED về công trình xanh của Mỹ nhưng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện riêng của Việt Nam).
Trân trọng cảm ơn ông!