Mào xe còn là vấn đề sở hữu, diện mạo và nhu cầu
Là loại hình dịch vụ được nhiều người đón nhận, xe công nghệ đem đến sự tiện lợi, nhanh chóng và văn minh. Không chỉ là nguồn thu nhập cho rất nhiều đối tác tài xế, khách hàng cũng là người được sử dụng dịch vụ với chi phí hợp lý, chủ động được với mọi thông tin của cuốc xe do bản thân đã đặt. Vì thế với dự thảo Nghị định 86 mới nhất có dự kiến quy định gắn mào cho xe công nghệ, nhiều đối tác tài xế đã cho rằng đây sẽ là bước thụt lùi trong công nghệ tại Việt Nam.
Là một đối tác tài xế của Grab hơn 2 năm, anh Trần Duy Tôn (ngụ tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh) - cho biết: “Xe công nghệ hầu hết là xe vừa sử dụng gia đình vừa kiếm thêm nên gắn mào không phù hợp lắm. Nếu chuyển qua tôi cũng không lắp và không chạy nữa. Vì lắp mào lên không khác gì taxi nên khách hàng sử dụng sẽ giảm, giống như quay lại thời kì đầu, không có gì gọi là phát triển công nghệ nữa!”.
Bản chất của xe công nghệ là tránh đi những thủ tục rườm rà, nâng cao chất lượng dịch vụ. Song với quy định từ dự thảo lần thứ 8 của Nghị định 86, đây rất có thể sẽ là cú đòn trực diện đánh văng mô hình xe công nghệ ra khỏi Việt Nam vì điều tiên quyết nhất là… đối tác tài xế không chấp nhận gắn mào.
![]() |
Dự thảo lần thứ 8 của Nghị định 86 có thể là bước thụt lùi cho mô hình xe công nghệ |
Với dự kiến gắn mào cho xe công nghệ cũng gây ra nhiều nghi ngại khi chi phí lắp đặt tăng thì không chỉ thu nhập của tài xế bị giảm đi mà khách hàng cũng sẽ chịu giá cước lớn hơn. Ngoài ra, nhiều người dân cũng cho rằng, việc gắn mào là không hợp lý vì công nghệ phát triển, khách hàng không cần nhìn hộp đèn để đón xe, các thông số về hành trình, biển số, loại xe, thậm chí cả gương mặt tài xế đã được hiển thị sẵn trên ứng dụng đặt xe.
Một tài xế công nghệ khác cho biết, việc gắn hộp đèn hoặc phù hiệu, đổi màu sơn xe… rất mất thẩm mỹ, tốn kém chi phí: “Tôi đã tìm hiểu hộp đèn xe như taxi mất khoảng 400.000 - 500.000 đồng/cái, đó là chưa kể một thời gian dài gắn hộp đèn hoặc đổi màu sơn, xe sẽ nhanh chóng xuống cấp... Sau này, khi người dân chuyển đổi mục đích sử dụng xe, không chạy taxi nữa thì phải làm sao?".
Chi phí gia tăng, người dùng cũng thiệt hại
Anh Mai Duy Khoa (ngụ TP. Hồ Chí Minh) góp ý: “Phía khách hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi nếu gắn hộp đèn thì một lượng lớn tài xế sẽ nghỉ, chuyển sang nghề khác. Khi lượng xe giảm xuống, việc khách hàng đặt xe sẽ khó và khi có ít xe thì cách tính cước của xe công nghệ sẽ tăng, có thể họ sẽ quay lại với taxi truyền thống”.
Ngoài ra, việc gắn mào theo quy định tưởng chừng sẽ phù hợp trong việc quản lý và phân loại nhưng lại gây ra thêm tác động về mặt an toàn cho xã hội. Khi được gắn mào thì sẽ dễ dàng gia tăng việc chạy chui, chạy ngoài ứng dụng. Điều này rất bất cập đối với mong muốn quản lý mà Nghị định 86 muốn hướng đến. Đối với những trường hợp chạy chui, doanh nghiệp phân phối công nghệ kết nối vận tải sẽ còn chật vật và loay hoay nhiều hơn trong giám sát đối tác tài xế. Không tránh khỏi từ đó sẽ là những phát sinh về tệ nạn xã hội, xe công nghệ mạo danh, trốn thuế, tăng giá cước tự do…
Theo ghi nhận tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước hầu hết người tiêu dùng đều cho rằng bản chất của cách mạng 4.0 là dùng công nghệ để giảm tối đa những thủ tục rườm rà cũng như chi phí không đáng có, từ đó tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Vì lợi ích của người dân, Chính phủ cần có cơ chế điều chỉnh và hành lang pháp lý linh hoạt, hợp lý hơn đối với những dịch vụ mới mẻ, tiện ích, tiết kiệm cho người dân. Nếu là 4.0, liệu có cần đeo mào cho xe công nghệ để quay về thời taxi vẫy?