Bảo tàng cà phê thế giới nằm trong Làng cà phê Trung Nguyên |
Bảo tàng trưng bày bộ sưu tầm độc đáo với các vật dụng chế biến, bảo quản cà phê từ năm 1700 đến nay như: Chiếc cối dùng để giã cà phê cổ nhất ở Ethiopia; ấm đựng cà phê bằng đồng, bằng bạc; túi da dê ủ ấm cà phê cùng những chiếc máy xay, máy rang được chế tạo từ nhiều thời kỳ. Ở tầng trệt, bên cạnh những chiếc máy pha chế cà phê hiện đại của nước ngoài là không gian quen thuộc của những chiếc gùi, dụng cụ thu hái cà phê của người Tây Nguyên, bộ sưu tập đồ pha chế cà phê của người châu Á, những chiếc phin lọc cà phê đầu tiên bằng sứ rồi đến phin nhôm, thiếc...
Một số hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng cà phê thế giới |
Gùi đựng cà phê của bà con Ê Đê |
Một góc bảo tàng không thể tái hiện trọn vẹn sự độc đáo, đa dạng về văn hóa và phong cách thưởng thức cà phê của tất cả các nước trên thế giới nhưng chắc chắn du khách sẽ có cơ hội hiểu thêm về hành trình để cà phê trở thành nét văn hoá không thể thiếu của vùng đất bazan trù phú này. Tầng 2 của bảo tàng lại như một Tây Nguyên thu nhỏ với dàn cồng chiêng đồ sộ, những ché rượu cần xếp liền nhau, những chiếc gùi được đặt trang trọng trên ghế k’pan - biểu tượng cho sự sung túc của những gia đình Ê Đê giàu có.
Người Ê Đê có cách chế biến cà phê riêng biệt |
Bà con dân tộc Ê đê ở Buôn Ma Thuột coi cà phê là cây trồng chủ đạo, một thức uống không thể thiếu. Khi thưởng thức, người Ê Đê dùng chày, cối giã cà phê thật mịn rồi cho 400 gam cà phê vào trong một tấm vải thổ cẩm được cột ở hai đầu làm túi lọc. Nhúng túi lọc 3 - 4 lần vào một ấm đất chứa 220ml sôi trực tiếp trên bếp lửa, cà phê sẽ thẩm thấu xuống ấm. Người Ê Đê không uống cà phê với đường hay sữa mà nêm một chút muối cho đậm đặc.
Nếu không có cà phê, Buôn Ma Thuột hẳn sẽ mất đi nét đặc trưng vốn có. Không quá khi nói rằng, cà phê là một ngôn ngữ riêng để những người đến và yêu Tây Nguyên giao tiếp với nhau.