Những lễ hội nổi tiếng ở miền Trung không thể bỏ qua dịp đầu năm |
Những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, đền ông Hoàng Mười tại làng Xuân Am xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đón rất đông du khách tới lễ cầu may, xin lộc.
Đền ông Hoàng Mười còn có tên gọi khác là đền Mỏ Hạc hay lấy tên làng là đền Xuân Am, được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới thời Lê Trung Hưng.
Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên) có rất đông du khách trong và ngoài tỉnh về chiêm bái trong dịp Tết Nguyên đán. |
Theo dân gian, đền thờ thần Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, che chở cuộc sống cộng đồng, được nhân dân khắp nơi tôn kính. Ngoài ra đền còn thờ một số vị phúc thần như: Mẫu tứ phủ, Song Đồng Ngọc Nữ…
Theo tín ngưỡng Tứ Phủ, ông Hoàng Mười là con thứ 10 của vua cha Bát Hải Động Đình – quan ở thiên đình, tiên trong cõi hạc. Theo sự sắp xếp của vua cha, ông Hoàng Mười xuống trần gian để giúp dân giúp nước.
Trước cửa khu đền linh thiêng, du khách nguyện cầu cuộc sống bình an và gửi gắm ước vọng cuộc sống. |
Và địa phương nơi ông xuống cai quản chính là mảnh đất Nghệ An. Với việc tỏ rõ linh ứng, theo thời gian, hình tượng quan Hoàng Mười được lịch sử hóa và địa phương hóa, tức gắn liền với những nhân vật có thật trong lịch sử. Từ đó, tâm thức dân gian tại vùng Nghệ An cho ung ngài giáng xuống và hóa thân làm những vị anh hùng, những danh nhân nổi tiếng và có sự gắn bó mật thiết với đất và người xứ Nghệ.
Du khách sắm lễ vật để làm lễ cầu an, giải hạn tại đền Ông Hoàng Mười. |
Với quyền uy và địa vị cao quý ấy, người ta luôn tin tưởng rằng ông Hoàng Mười chính là vị thần sẽ mang đến sự thăng tiến trong con đường công danh sự nghiệp cho bản thân mình. Vì vậy, từ nhiều năm nay, đền ông Hoàng Mười là điểm đến tâm linh của hàng nghìn người dân vào dịp đầu xuân, năm mới.
Đền ông Hoàng Mười có 2 kỳ lễ hội lớn là Rằm tháng 3 âm lịch (lễ hội khai điểm) và ngày lễ hội giỗ ông Hoàng Mười (ngày 10/10 âm lịch). |
Hầu hết những người đến ngôi đền này xin lộc đều cầu mong được quan Hoàng Mười phù hộ độ trì cho học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, bình an trong cuộc sống.
Đi lễ đền, chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Việt, không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hoà mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả, lo toan.
Du khách làm lễ cầu an tại đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên). |
Đến đền, chùa dâng hương cầu an là nét đẹp truyền thống của người Việt. Hoạt động tín ngưỡng này góp phần giúp con người hướng thiện, giữ gìn sự tốt đẹp của tâm hồn và an nhiên trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thu Thuỷ, đến từ Hà Nội chia sẻ, năm nào dịp đầu năm gia đình chị cũng đến đền ông Hoàng Mười để thắp hương, dâng lễ cầu bình an, mong một năm nhiều sức khỏe, tài lộc.
Mọi người cùng nhau thắp hương cầu lộc, cầu tài, mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc. |
Trải qua biến thiên lịch sử, đền xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1995, thể theo nguyện vọng của nhân dân, đền đã được tôn tạo, phục hồi trên cơ sở khung nhà cũ gồm hạ điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, đài cửa Trùng, điện cô Chín và khu mộ ông Hoàng Mười hay gọi Mỏ Hạc Linh Từ.
Con đường vào đền ông Hoàng Mười chật kín phương tiện đi lễ đầu xuân Quý Mão 2023. |
Được xem là một trong sáu ngôi đền thiêng lớn nhất Nghệ An, mỗi năm đền đón hàng vạn người dân xứ Nghệ và du khách thập phương đến chiêm bái, cầu an, cầu lộc. Trong đó, nhộn nhịp nhất là hai kỳ lễ hội lớn: Lễ hội khai điểm vào rằm tháng 3 (âm lịch) và Lễ hội giỗ ông Hoàng Mười từ ngày 8/10 đến 11/10 (âm lịch). Trong đó, giỗ ông Hoàng Mười được coi là mùa tạ lễ quan trọng nhất.
Năm 2019, lễ hội đền ông Hoàng Mười được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 9 -10/10 Âm lịch hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tưởng nhớ công đức của các vị phúc thần. Từ đó, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các tầng lớp nhân dân và quảng bá hình ảnh lễ hội cũng như giá trị của di tích. |