Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật này sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 với những nội dung chủ yếu sau:
Đối với nhóm quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật này đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện, cụ thể là:
Bổ sung quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
Bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Đối với nhóm các quy định về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư: Để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng đồng thời tạo điều kiện để thu hút đầu tư theo mô hình, phương thức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư ưu đãi theo hướng:
Bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển; bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
Bổ sung hình thức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách và biện pháp hỗ trợ đầu tư trong trường hợp dự án bị ngừng kinh doanh theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đơn giản hóa TTHC, đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương
Đối với nhóm các quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, dự thảo bãi bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với hộ gia đình, cá nhân để áp dụng thống nhất điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư của các đối tượng này theo quy định của Luật Đất đai.
Đồng thời thu hẹp phạm vi dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng loại bỏ dự án sản xuất thuốc lá, phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh sân golf, nâng mức vốn dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ từ 5.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng.
Đối với nhóm các quy định về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi và đơn giản hóa thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng: Không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, bãi bỏ thủ tục đăng ký trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam…