Đề xuất cơ chế chuyển tiếp cho các dự án điện gió, mặt trời không kịp hưởng giá FIT
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, đối tượng tham gia đấu thầu là các dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian theo quy định tại Quyết định số 39/2018/QĐ TTg ngày 10 tháng 9 năm 2018 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Phương pháp xây dựng khung giá phục vụ cho việc đấu thầu được xây dựng tương tự phương pháp quy định tại Thông tư 57/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự và ban hành khung giá phát điện, có điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng áp dụng là các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió.
Khung giá được Bộ Công Thương ban hành áp dụng cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp chào công suất (MW) sẽ được sử dụng làm khung giá đấu thầu cho các dự án.
Về nguyên tắc chính trong tổ chức đấu thầu với nội dung đấu thầu mua điện từ các dự án điện mặt trời, gió chuyển tiếp dựa trên công suất lắp đặt (MW) của các nhà máy điện. Giá thầu của dự án phải nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Theo Bộ Công Thương, cơ chế FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, ở đây là lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.
"Trong bối cảnh giá năng lượng tái tạo trên thế giới có xu hướng giảm và tại thời điểm hiện nay, khi quy mô phát triển năng lượng tái tạo đã mở rộng, thị trường thiết bị, công nghệ năng lượng tái tạo đã trở nên cạnh tranh hơn, việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển cạnh tranh, tiệm cận thị trường là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và xu hướng phát triển trên thế giới" - Bộ Công Thương cho biết.
Vì vậy, việc giữ nguyên các cơ chế ưu đãi tại các quyết định này sẽ có những hạn chế sau: Thứ nhất việc thời hạn hợp đồng mua bán điện kéo dài 20 năm là không phù hợp, do hiện nay chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời có xu hướng giảm hơn so với thời điểm ban hành cơ chế FIT với hiệu suất công nghệ cải thiện, quy mô và kinh nghiệm phát triển mở rộng.
Về trường hợp giữ nguyên giá điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD cũng không phù hợp. Cụ thể tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 quy định “mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Ngoài ra, các nội dung chi tiết về quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thông tư số 16/2015/TT-NHNN ngày 19 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, đối với việc huy động toàn bộ sản lượng của các dự án chuyển tiếp, theo Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại, điện gió và điện mặt trời ở nước ta đã chiếm trên 26% tổng công suất lắp đặt, do đó việc bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện dẫn đến việc không bình đẳng đối với nhiều nhà máy điện khác trong hệ thống điện, ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện.
Để triển khai xây dựng cơ chế áp dụng đối với dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 26 tháng 02 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về đề xuất giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời theo đúng quy định pháp luật, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ như sau:
Xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế đấu thầu mua điện từ các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và sửa đổi một số nội dung tại các Quyết định số 13/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, cụ thể:
Một là, thời hạn của hợp đồng mua bán điện và giá điện áp dụng đến hết năm 2025. Sau năm 2025, các đơn vị tiếp tục tham gia đấu thầu theo quy định do Thủ tướng Chính phủ và/hoặc Bộ Công Thương ban hành; Hai là, đồng tiền tính giá là Việt Nam đồng (đồng/kWh); và ba là nhà máy điện được EVN huy động phù hợp với nhu cầu của hệ thống điện.
Xét thấy tính cấp bách của việc xây dựng và ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là “trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn”, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng quy định này theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật ban hành Văn bản pháp luật. Quyết định dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 5. Bộ sẽ xây dựng, ban hành Thông tư về khung giá điện áp dụng cho các dự án chuyển tiếp, có hiệu lực đồng thời với quyết định của Thủ tướng.