Bộ Tài chính trình Quốc hội 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế nhà đất TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tăng thu thuế nhà đất thứ hai trở lên |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thường trực Chính phủ về việc triển khai xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, liên quan đến việc đánh thuế cao đối với người sở hữu nhà thứ hai tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ này cho rằng, đây là cơ chế tạo nguồn thu ngân sách cho thành phố và kết quả thí điểm là cơ sở xem xét áp dụng trên phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, qua thảo luận còn tồn tại các bất cập.
Chẳng hạn, chính sách này có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp, như người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có hai nhà ở, đất ở trở lên có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế.
Đồng thời, chính sách này chưa phù hợp với điều kiện thực tế vì các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ và việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên.
Đề xuất chưa đánh thuế nhà, đất thứ hai tại TP. Hồ Chí Minh |
Bên cạnh đó, cơ chế này còn tác động đến thị trường bất động sản, làm giảm cả cung và cầu thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, hiện có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế cao đối với việc sở hữu nhà đất thứ hai trở lên. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cân nhắc chưa đưa vào dự thảo Nghị quyết.
Trong tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đó, TP. Hồ Chí Minh đề xuất hai phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên.
Phương án 1: Thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng để ở cho cá nhân và gia đình (nhà đất thứ hai trở lên). Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về căn cứ tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế và thời gian áp dụng.
Phương án 2: Chấp thuận cho TP. Hồ Chí Minh tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên, như lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Khi đó, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ quyết định áp dụng tăng mức thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức thu hiện hành) và tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá hai lần mức thu hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ 0,5% giá trị chuyển nhượng lên 2% và mức tối đa một hồ sơ chuyển nhượng từ 500 triệu đồng/hồ sơ lên 1 tỷ đồng/hồ sơ.
Đề xuất thu thuế bất động sản thứ 2 trở đi cũng là chủ đề được bàn luận nhiều trong thời gian vừa qua. Nhiều chuyên gia lo ngại việc đánh thuế này có thể gây tác động đối với thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh. Thực tế, từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã lâm vào cảnh "ảm đạm" do phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc thắt chặt tín dụng cùng điểm nghẽn pháp lý đã giáng đòn nặng nề vào thị trường khiến thanh khoản lao dốc.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc thu thuế bất động sản thứ 2 trở đi cần có lộ trình cụ thể (3 - 5 năm) ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Còn thời điểm hiện tại, khi thị trường đang gặp khó khăn, trầm lắng, nếu thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ góp phần khiến thị trường "đóng băng" và khó phục hồi.