Tạo vòng đời mới cho rác thải nhựa Doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn |
Chia sẻ tại hội thảo tổng kết “Kinh nghiệm và đề xuất chính sách của Nhật Bản cho công tác xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 6/7, các chuyên gia nhận định: Kinh tế tuần hoàn là một giải pháp có hệ thống giúp giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế tuần hoàn sẽ là một công cụ mạnh mẽ để có thể phục hồi nền kinh tế - xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.
Tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng có nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này, và đã có những hành động thiết thực như giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật; quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Nhằm xây dựng một khung chính sách chặt chẽ để chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính hiện nay sang nền kinh tế tuần hoàn, sau khi Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực vào tháng 1/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, công bố các quy định cụ thể về việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn.
Để đưa ra nhận định chính xác, từ tháng 1/2022 JICA cũng đã thực hiện khảo sát về nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ông Ichiro Adachi - chuyên gia quản lý môi trường của JICA - giải thích về lịch sử phát triển chính sách kinh tế tuần hoàn và tinh thần truyền thống “Mottainai” có nghĩa là “Không lãng phí”. Để xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động.
Trước đây, JICA đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải tại Việt Nam thông qua thúc đẩy mô hình 3R (Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và phân loại rác thải tại nguồn.
Ông Murooka Naomichi - Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - cũng cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta cần phải tăng cường hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thiết lập nền tảng pháp lý và định hướng chính sách vững chắc, nhằm triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Khảo sát này không chỉ hỗ trợ Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phát triển khung Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn mà còn cung cấp cái nhìn tổng thể về hệ thống lập pháp và các hoạt động về kinh tế tuần hoàn đang diễn ra tại Việt Nam. Do đó, khảo sát này sẽ giúp xác định những bất cập còn tồn đọng, từ đó giúp chúng tôi xây dựng các dự án hợp tác kỹ thuật trong tương lai giữa JICA và Bộ Tài nguyên và Môi trường.”