Giá muối xuống thấp, diêm dân lao đao |
Giá rớt thê thảm
Theo Cục Chế biến Nông lâm sản thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), đến ngày 20/7/2016, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.756 ha; sản lượng muối 6 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 1,1 triệu tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015. Cũng theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, giá muối hiện đang xuống rất thấp, nhất là tại khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ, cụ thể: Miền Bắc từ 900 – 1.600 đồng/kg; miền Trung, muối thủ công từ 300 – 550 đồng/kg; Nam bộ từ 250 – 550 đồng/kg.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nếu muốn có lãi thì giá muối bán ra phải đạt được 700 đồng/kg, nhưng do giá muối quá thấp nên thu nhập của diêm dân không đủ chi trả tiền công điện, nước. Đây cũng là lý do mà tại nhiều vựa muối ở các xã Mỹ Cát, Mỹ Thành thuộc huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định trong thời điểm trung tuần tháng 7 (thời điểm giữa mùa vụ) lại vắng bóng người làm muối.
Diêm dân trên cánh đồng muối tại huyện Hải Hậu (Nam Định) cũng rơi vào tình trạng tượng tự. Bà Lâm Thị Sen ở xã Nam Giang, huyện Hải Đông, huyện Hải Hậu chia sẻ, nắng thì ra đồng làm, còn trời râm mát thì chúng tôi phải xin vào công ty muối làm thời vụ để kiếm thêm thu nhập. Do giá muối xuống quá thấp nên nhiều diêm dân đã chuyển sang nghề khác vì nếu chỉ bám vào nghề muối sẽ không đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình. “Giá muối phải đạt ít nhất 1.000 đồng/kg thì diêm dân mới có thu nhập, nhưng hiện nay giá xuống chưa được 700 đồng/kg. Làm việc nặng nhọc giữa trời nắng nóng, chi phí đầu tư… ngày càng tăng, vậy mà 2 lao động làm 3 sào muối mỗi ngày công chỉ thu được 50.000 đồng/người”- bà Sen buồn bã nói.
Cũng theo bà Sen, giá muối xuống quá thấp, mặc dù doanh nghiệp (DN) cũng tạo điều kiện cho diêm dân, nhưng bản thân DN cũng gặp khó khăn do tồn kho lớn, do vậy, hầu hết diêm dân dù muốn hay không cũng phải tự dự trữ muối.
Thiếu giải pháp lâu dài
Lý giải nguyên nhân khiến lượng muối tồn đọng lớn, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối - cho rằng: Thời tiết nắng nóng khiến sản lượng muối tăng mạnh, song hạt muối lại không có đầu ra nên giá sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, sự cố môi trường biển bị ô nhiễm tại miền Trung vừa qua khiến tồn kho muối tăng.
Tại Hội nghị giao ban tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 7 diễn ra mới đây tại Hà Nội, một số Sở Công Thương địa phương đã kiến nghị với Bộ Công Thương về xử lý muối tồn kho. Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, Bộ đã hướng dẫn các Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT địa phương để có phương án làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) nhằm giải quyết lượng muối tồn kho.
Ông Quyền chia sẻ thêm, trước tình trạng tồn kho muối cao, giá muối giảm ảnh hưởng đến đời sống diêm dân, tháng 6 vừa qua, Tổ Điều hành Thị trường trong nước đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị cho phép triển khai việc mua tạm trữ muối của diêm dân tại các tỉnh Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu và TP. Hồ Chí Minh - nơi giá muối ở dưới mức 500đồng/kg, để giữ giá muối không xuống quá thấp. Ngày 16/6, sau khi Chính phủ đồng ý về chủ trương, Vinafood 1 đã được chỉ định là đơn vị triển khai kế hoạch thu mua muối. Sản lượng thu mua không giới hạn với giá ổn định ở mức 600 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 100 đồng/kg.
Thực tế, mỗi khi có tình trạng tồn kho muối, Chính phủ đều có giải pháp mua tạm trữ. Giải pháp này đã chứng minh là có tác dụng tốt để giữ giá ổn định, tạm thời gỡ khó cho tình hình tiêu thụ. “Tuy nhiên, về lâu dài, cần có phương án nghiên cứu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương” - ông Võ Văn Quyền kiến nghị.
Đồng quan điểm về vấn đề này, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng của Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp và giao ban với các hiệp hội ngành hàng, DN xuất khẩu nông sản diễn ra ngày 9/8, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Vinafood 1 – nhấn mạnh, công ty muốn mua từ diêm dân chứ không muốn mua từ thương lái, có như vậy mới giải quyết được vấn đề theo mục đích của Chính phủ là hỗ trợ cho diêm dân.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Vinafood 1: Tính đến thời điểm này, Vinafood 1 đã làm việc với 4 tỉnh đang dư thừa muối và công việc diễn ra khá quy củ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trong dài hạn, cần quy hoạch tổng thể ngành muối để tập trung phát triển muối chất lượng cao. |
Kỳ II: Cần quy hoạch tổng thể