Mới làm tốt ở khâu sản xuất
Có mặt tại 180 vùng lãnh thổ, nhiều mặt hàng nông sản Việt được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hiện nay Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD.
Cần tổ chức sản xuất theo chuỗi hiện đại, có cam kết đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng |
Mặc dù đạt được những kết quả rất đáng tự hào, nhưng phần lớn mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn là xuất thô, chưa có thương hiệu. Nông sản Việt mới làm tốt ở khâu sản xuất, còn lại 2 khâu chế biến và tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh cho hay, nền nông nghiệp nước ta hiện vẫn chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, "mạnh ai nấy làm" nên hiệu quả kinh tế chưa cao, nhất là khâu tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn.
Vậy làm thế nào để khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp với vai trò dẫn dắt và nông dân sẵn sàng tham gia chuỗi liên kết, cùng DN phát triển? Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay, hiện nay, Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề xây dựng chuỗi giá trị nông sản và đã có hàng loạt chương trình, nghị quyết, trong đó phải kể đến một số thông tư hỗ trợ tiêu thụ nông sản như: Nghị định 98 của Chính phủ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; Nghị định 146 về tín dụng trong nông nghiệp…
TS. Võ Trí Thành nhận định, dư địa phát triển của nông sản Việt vẫn rất lớn với thị trường nội địa hơn 90 triệu dân và thị trường thế giới 7 tỷ dân. Điều còn lại là phải giải quyết tốt các điểm nghẽn về vốn, logictics, lưu thông; tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đồng hành cùng nông dân đưa nông sản ra thị trường một cách hiệu quả.
Cần thúc đẩy tiêu thụ và liên kết
Năm 2018, ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu XK hơn 40 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho rằng, nông sản Việt phải tiếp cận theo chuỗi giá trị toàn cầu và đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi thì mới có thể XK bền vững và ổn định.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) - cho hay, chợ nông sản toàn cầu là vô cùng rộng lớn, cơ hội nhiều nhưng ngày càng phức tạp, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên cao, có những yêu cầu khó tính đến bất ngờ. Vì vậy, cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi hiện đại, có cam kết đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Nông dân, DN cũng phải tuân thủ cam kết đó theo đúng thông lệ quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3 với chủ đề "Khơi nguồn nông sản Việt" được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định, nếu sản xuất tốt, đúng kế hoạch, theo tín hiệu thị trường thì tiêu thụ sẽ tốt. "Thị trường ở đây không phải là chợ trong nước cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam mà cho 7 tỷ người trên thế giới. Do đó vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất theo hướng khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương… gắn chặt với thị trường trong nước và toàn cầu mới khai thác được tiềm năng này" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để tổ chức tốt chợ trong nước và mang ra chợ nước ngoài, theo Phó Thủ tướng, cần có vai trò của nhà nước, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, DN, hiệp hội và cả người nông dân. Trong đó, vai trò điều hành của nhà nước rất quan trọng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Chính sách liên kết giữa 5 nhà phải tăng cường thúc đẩy hơn nữa, trong đó vai trò dẫn dắt của hợp tác xã rất quan trọng, là cầu nối liên kết giữa nông dân với DN. |