Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ 1/5/2013. Đây là Bộ luật có vị trí đặc biệt quan trọng, điều chỉnh toàn diện các quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tác động đến tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo lập hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động.
Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho công nhân khai thác than trong hầm lò là 50 tuổi, tức là giảm 12 tuổi so với quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) |
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, Bộ luật Lao động đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Do đó, ngày 28/4/2019, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp công nhân và đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và sẽ tiếp tục cho ý kiến và sự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) tới đây.
Với ngành than, một ngành đặc thù với số lượng lao động lớn, môi trường làm việc có điều kiện khó khăn, nhất là với những thợ mỏ hầm lò, việc sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ có tác động lớn đến cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành than. Vì vậy, trước khi tham dự hội thảo, Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức phát 5.000 phiếu hỏi tại 14 đơn vị sản xuất hầm lò; 42 đơn vị thuộc các lĩnh vực: Khai thác lộ thiên, cơ khí, tiêu thụ, phục vụ, địa chất; 4 đơn vị tổng công ty; 11 đơn vị khối thương mại dịch vụ, khối trường, viện, ban quản lý dự án để xin ý kiến góp ý.
Các phiếu hỏi tập trung vào các nội dung: Vấn đề tuổi nghỉ hưu; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; làm thêm giờ; tiền lương; thời gian nghỉ Tết âm lịch; một số ý kiến có liên quan và các ý kiến trực tiếp từ công nhân lao động và thực tế áp dụng quy định chế độ chính sách cho thợ lò và các đề xuất kiến nghị khác.
Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến đóng góp đã được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp… đóng góp liên quan đến các vấn đề trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), từ phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tiêu chuẩn lao động; quan hệ lao động;… đến vấn đề tổ chức đại diện người lao động; vấn đề tiền lương; độ tuổi nghỉ hưu...
Tham gia ý kiến, ông Phạm Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, chúng tôi cơ bản tán thành với một số nội dung phát biểu của đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng như ý kiến từ các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh - đơn vị chủ trì hội thảo - đồng thời đề nghị xem xét một số vấn đề cụ thể, như: Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là 50 đối với người lao động khai thác than hầm lò; các vấn đề về chấm dứt hợp đồng lao động, ưu tiên cho người lao động nghỉ hưu sớm; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; nghỉ việc riêng không hưởng lương; đối thoại tại nơi làm việc; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; một số khái niệm trong Bộ luật cần thống nhất, dễ nhận biết, giải thích...
“Trường hợp tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường đối với lao động nam có tăng lên 62 tuổi thì đề nghị vẫn giữ nguyên tuổi được nghỉ hưu cho công nhân khai thác than trong hầm lò là 50 tuổi, tức là giảm 12 tuổi so với quy định” - ông Hạnh kiến nghị.