8 giải pháp nâng cao hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước Doanh nghiệp nhà nước: Những kỳ vọng về sứ mệnh phát triển đất nước Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước |
Sáng ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở |
Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, Đảng đã có nhiều chỉ đạo cụ thể liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân và yêu cầu hoàn thiện thể chế về dân chủ ở cơ sở như Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị; Thông báo kết luận số 160-TB/TW ngày 15/1/2020 của Bộ Chính trị.
Hiến pháp năm 2013 và các luật ban hành sau Hiến pháp năm 2013 cũng đã có nhiều quy định mới liên quan đến quyền làm chủ và quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của nhân dân.
Đồng thời, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế như: Nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, chưa thống nhất, đồng bộ, toàn diện.
Bên cạnh đó, trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở thiếu cụ thể, thiếu chế tài xử lý; vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân chưa được quy định rõ, cụ thể; sáng kiến của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được đề cao...
Chính vì vậy, mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật cụ thể hướng tới hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước. “Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất, đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định một chương (Chương IV) về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Quy định chung về công khai thông tin tại doanh nghiệp, về người lao động tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát trong mọi loại hình doanh nghiệp.
Đồng thời, bổ sung một số quy định đặc thù áp dụng với doanh nghiệp nhà nước, như: Các nội dung công khai tại doanh nghiệp nhà nước (khoản 2 Điều 45); hình thức người lao động giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp nhà nước (khoản 1 Điều 56).
Tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dự án Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương "thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân" với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và "thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”.
Việc xây dựng và ban hành Luật này là một trong những nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra tại Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc luật quy định sâu hơn về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trước những lợi ích này, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân. Nội dung kiểm tra, giám sát; hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc “làm nòng cốt” để người dân thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở và cơ chế thực hiện để thể chế hóa chủ trương của Đảng.
Mở rộng, phát huy dân chủ phải đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân.