Còn nhiều dư địa
Hiện nay, trong số các thị trường xuất khẩu của ngành nhôm Việt Nam thì ASEAN chiếm thị phần lớn nhất với 60% lượng hàng xuất khẩu, tiếp theo đó là Hoa Kỳ chiếm 11%, và thị trường châu Âu mới chiếm 5%.
Còn nhiều dư địa cho mặt hàng nhôm Việt Nam tại EU |
Trong khi đó châu Âu tự sản xuất được 50% nhu cầu nhôm, 50% còn lại là nhập khẩu. Điều này cho thấy dư địa để DN nhôm Việt xuất khẩu sang thị trường EU là rất lớn.
Hơn thế nữa, thị trường nhôm Việt Nam trong những năm gần đây đã phải đối mặt với nhiều thách thức từ chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ và chính sách chống bán phá giá. Với EVFTA, các DN nhôm Việt sẽ có nhiều cơ hội thay đổi thị trường xuất khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, bên cạnh việc cạnh tranh tại thị trường trong nước, các DN Việt nên tính đến việc xuất khẩu như là một cách để thoát khỏi cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, các nước châu Âu rất coi trọng yếu tố phi kinh tế như môi trường, người lao động…Vì vậy, ngoài đáp ứng các quy tắc xuất xứ, các DN Việt phải đáp ứng các tiêu chí phi kinh tế này.
Ông Thành nhấn mạnh, tại thị trường trong nước, thuế chống bán phá giá là một công cụ để bảo hộ nhưng sẽ chỉ kéo dài được một vài năm. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh mới là cách để các dnViệt Nam phát triển và tận dụng lợi thế từ các FTA để xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Phụ, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam - cho rằng, ngành công nghiệp nhôm Việt Nam còn non trẻ nhưng tốc độ phát triển và tiếp thu công nghệ nhanh, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì có thể nói trong top đầu về sản lượng và chất lượng, thậm chí xuất khẩu lớn. Tuy nhiên để vào được thị trường EU, trước tiên các DN phải có các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường đó.
Doanh nghiệp tự hoàn thiện mình
Chia sẻ cụ thể hơn về các tiêu chuẩn ưu đãi thuế đối với mặt hàng nhôm trong EVFTA, bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam - cho biết, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được quy định thiết kế riêng cho từng mã HS (mã sản phẩm) riêng biệt thì mới được hưởng thuế ưu đãi. Nhưng đây không phải là vấn đề lớn đối với ngành nhôm khi xuất khẩu, nhập khẩu, về cơ bản chỉ cần chứng minh mã HS ở cấp độ 4 số, đã có sự chuyển đổi từ yếu tố đầu vào thành yếu tố đầu ra là đáp ứng yêu cầu.
Bà Thùy cũng lưu ý các DN cần nắm bắt và tận dụng cơ hội từ quy tắc “De Minimis” trong chương 76 của EVFTA. Đây là quy tắc rất linh hoạt cho phép một hàm lượng, số lượng nhất định các yếu tố đầu vào mặc dù không đáp ứng tiêu chí xuất xứ (ở đây là tiêu chí CTH) nhưng thành phẩm cuối cùng vẫn được coi là có xuất xứ, có giấy chứng nhận xuất xứ hoặc tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt.
Ngưỡng De Minimis của ngành nhôm quy định trong EVFTA là 10%. Vì vậy, nếu DN hiểu và vận dụng được thì sẽ rất có lợi trong các ngành chứ không chỉ riêng ngành nhôm. Trong thời gian tới, Hiệp hội Nhôm Việt Nam sẽ xây dựng bộ tiêu chí, bộ quy chuẩn chung về nhôm, phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Cùng với đó, Hiệp hội cũng kiến nghị với Chính phủ làm tốt các chính sách về xây dựng và bảo vệ thương hiệu của từng DN nhôm một cách quy củ và bài bản, tránh tình trạng tranh chấp thương hiệu xảy ra rất phức tạp trong thời gian qua.
Hải quan EU là một trong những lực lượng làm việc minh bạch và chuyên nghiệp bậc nhất thế giới. Nếu các DN Việt Nam nắm vững quy tắc xuất xứ, làm chủ công nghệ, chuỗi sản xuất sẽ thuận lợi để xuất khẩu vào EU. |