Thưa ông, là đơn vị chủ trì thực hiện CVĐ, ông đánh giá như thế nào về những kết quả chính của cuộc vận động thời gian qua, đặc biệt là đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ?
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được Bộ Chính trị phát động, giao cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước triển khai và phát động từ năm 2009 đến nay. Vừa rồi, vào tháng 3 năm 2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động Người Việt Nam trong cuộc vận động này.
![]() |
Ông Trần Văn Sinh – Trưởng Ban Phong trào – Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam |
Như chúng ta cũng đã biết, qua quá trình đi khảo sát thực tế và điều tra dư luận xã hội cho thấy, Cuộc vận động này đã được đánh giá là đạt được kết quả quan trọng, trong đó có phần đóng góp của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đơn cử, ngay trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có những giai đoạn rất nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang. Nhưng ngay lập tức, các doanh nghiệp đã vào cuộc sản xuất để cung ứng cho thị trường nội địa. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội đã nhận được rất nhiều khẩu trang do các đơn vị trao tặng để cung cấp cho những nơi trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời hỗ trợ cho một số quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đấy là một điểm sáng, cho thấy tính tự chủ và khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp đối với các sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước.
Hay là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, 16+ thì hầu như không địa phương nào thiếu hàng hoá, hoặc nếu có thì chỉ xảy ra trong một giai đoạn rất ngắn hoặc do chúng ta phong tỏa thì việc vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác gặp khó khăn. Đây là minh chứng khẳng định sự chủ động chiếm lĩnh thị trường của hàng hoá Việt Nam, cũng là thành công của Đề án phát triển thị trường nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam.
![]() |
Hàng Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa |
Bên cạnh những thành công, không thể phủ nhận Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Dưới góc độ là cơ quan triển khai CVĐ thì ông nên đã ra sao về những tồn tại, hạn chế này?
Tất nhiên bên cạnh thành công thì đề án này cũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà chúng ta cần khắc phục. Đó là, thứ nhất, việc quảng bá, giới thiệu những thương hiệu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng đến gần với thị trường 100 triệu dân vẫn còn một số hạn chế. Nhiều sản phẩm Việt có chất lượng, giá phải chăng nhưng không phải ai cũng biết đến để mua và sử dụng.
Bên cạnh đó, việc xử lý những vụ việc hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, ở giai đoạn đoạn trước, ở một số nơi vẫn còn tình trạng khi ta tổ chức bán hàng đến vùng nông thôn thì vẫn có những doanh nghiệp đưa hàng nhái, hàng giả vào. Đáng mừng là thời gian gần đây, những việc này đã được khắc phục và doanh nghiệp đã ý thức được việc đưa hàng hoá có chất lượng đến người dân, song vấn nạn hàng nhái hàng giả vẫn còn tồn tại nhiều ở trên thị trường. Đây là điểm cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Thưa ông, dịch bệnh khi đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng mà ở dưới một góc độ nào đó thì đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt xu hướng tiêu dùng và tăng doanh thu tại thị trường nội địa. Vậy theo ông, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần khai những giải pháp ra sao để chiếm lĩnh tốt hơn nữa thị trường nội địa?
Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp phải phải thích ứng, vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển, lựa chọn những phân khúc riêng cho mình. Bên cạnh đó, chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước nhấn mạnh là rất chú trọng phát triển thị trường nội địa. Nhưng để phát triển thị trường nội địa thì phải nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm để chinh phục thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa cho thị trường nội địa để sản xuất ra các sản phẩm thật sự chất lượng, có sức cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng.
Trong Chỉ thị 03 của Ban Bí thư cũng ghi rõ là đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Không chỉ trong tiêu dùng cá nhân mà kể cả việc sử dụng nguyên vật liệu, mua sắm tài sản công cũng phải ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nếu có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập. Điều này cũng khẳng định thêm rằng dù ưu tiên dùng hàng Việt Nam song giai đoạn tới, hàng Việt Nam phải ngày càng khẳng định được chất lượng để chinh phục được thị trường Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!