ĐBQH khóa XI, XII, XIV Nghiêm Vũ Khải: Cần thiết phải ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi)
Công Thương và công luận 14/04/2022 09:24
TS. Nghiêm Vũ Khải cho biết, Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 06 tháng 7 năm 1993, đến nay đã 30 năm. Trong thời gian đó, mặc dù Luật đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào các năm 2000, 2008 và năm 2018 nhưng về cơ bản chỉ sửa đổi một số điều, chưa sửa đổi toàn diện. Bên cạnh đó, hiện nay tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như bối cảnh khu vực và thế giới đã thay đổi rất nhiều. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các vấn đề an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, cạnh tranh và xung đột quốc tế... thì ngành điều tra, khai thác, chế biến dầu khí trong 30 năm qua cũng đã trải qua nhiều biến cố và đang đứng trước những thách thức không dễ vượt qua.
Hình minh họa |
Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí, TS. Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này phải trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, toàn diện quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành; đồng thời quán triệt sâu sắc và toàn diện tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về phát triển ngành dầu khí hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Khi Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 thì các ngành kinh tế, dịch vụ cũng phải đáp ứng các yêu cầu tương thích với trình độ của nước phát triển, nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ khoa học và công nghệ, hạ tầng kỹ thuật.
TS. Nghiêm Vũ Khải, ĐBQH khóa XI,XII, XIV, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội |
Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), TS. Nghiêm Vũ Khải cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm từ hoạt động nghiên cứu, khảo sát, điều tra cấu trúc, thành phần vật chất, các điều kiện, quy luật sinh dầu khí để đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí; tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí. Trong hoạt động dầu khí hiện nay thì dịch vụ dầu khí có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, bao gồm dịch vụ kinh doanh, dịch vụ pháp lý, dịch vụ kỹ thuật. Do đó, cần cân nhắc để bổ sung hoạt động dịch vụ vào “phạm vi điều chỉnh” cũng như một số nội dung liên quan đến dịch vụ dầu khí. Trên thực tế, dự thảo đã quy định 1 chương (Chương VI) về Công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí.
“Trong phạm vi điều chỉnh không cần thiết tách ra hai khái niệm là “điều tra cơ bản về dầu khí” và “hoạt động dầu khí”; mà nên quy định rõ ràng, mạch lạc chuỗi các hoạt động dầu khí để thuận tiện cho việc quán triệt và thực thi luật”, TS. Nghiêm Vũ Khải đề xuất.
Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, TS. Nghiêm Vũ Khải cho rằng, dự thảo Luật có nhiều chương, điều liên quan đến các bộ luật, luật như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật Kế toán,... và các văn bản pháp luật liên quan khác.
Nhằm tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu hụt trong các quy định của pháp luật có liên quan, theo TS. Nghiêm Vũ Khải cần có sự tham gia có trách nhiệm của các cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan ở Trung ương và địa phương trong quá trình, thẩm định, thảo luận, chỉnh sửa, xem xét, thông qua.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về dầu khí và nguyên tắc hoạt động dầu khí, TS. Nghiêm Vũ Khải đề nghị cần bổ sung một số chính sách lớn liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu khí. Những vấn đề này được nêu sâu sắc và toàn diện tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2012 về chủ động ứng phó với biến dổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, chủ trương bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, mục tiêu phát triển ngành dầu khí tiên tiến, hiện đại, nguồn nhân lực dầu khí chất lượng cao cũng phải trở thành một trong những chính sách then chốt, nguyên tắc hoạt động dầu khí quy định tại Điều 5 và Điều 6 cũng như trong dự án Luật này...
Về mô hình tổ chức quản lý nhà nước và vận hành doanh nghiệp dầu khí, TS. Nghiêm Vũ Khải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng mô hình tổ chức, mô hình quản lý và tư vấn, cơ chế vận hành đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững ngành dầu khí Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu của hoàn cảnh đất nước.
Ngoài ra, TS. Nghiêm Vũ Khải cũng đề nghị cần làm rõ, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, tránh quy định định tính; tiếp tục tổng kết thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để bổ sung nội dung Chương II của Dự thảo Luật (về điều tra cơ bản về dầu khí);.../.