Nhu cầu lớn
Tại Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản ở Kiên Giang được tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Linh – Giám đốc thu mua của Big C khu vực miền Bắc cho biết, Big C và Central Group Việt Nam là một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ hàng Việt đang kinh doanh tại các siêu thị Big C Việt Nam được duy trì ở mức khoảng 96% trên cơ cấu hàng hóa, và công ty đang hướng đến việc đa dạng hóa sản phẩm vùng miền từ các nhà cung cấp địa phương trên cả nước.
“Tại hệ thống siêu thị Big C - kênh phân phối cuối cùng đến tay người tiêu dùng, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt, cụ thể là những nhà sản xuất, nông dân và HTX nông nghiệp, nhà cung cấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa… trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, bằng các chương trình hành động thiết thực. Chúng tôi cũng chủ động tham gia các chương trình của Chính phủ Việt Nam thông qua cam kết giữ vững tỉ lệ hàng Việt” – bà Linh chia sẽ.
Năm 2018, Big C và Central Group Việt Nam đã phối hợp với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức thành công liên tục chuỗi sự kiện “Tuần lễ Cá sông Đà Hà Nội năm 2018” giới thiệu quảng bá các loại cá đặc sản của vùng sông Đà đến từ tỉnh Hòa Bình, Sơn La tại 15 siêu thị Big C khu vực phía Bắc.
“Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận chất lượng sản phẩm tại Big C là rất lớn, do đó chúng tôi đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng để mở rộng kinh doanh ra 36 siêu thị Big C trên toàn quốc. Những nguồn hàng Big C đang cần như cá basa, cá sống, các loại hải sản khác như tôm các loại, cua thịt…”- bà Linh nhấn mạnh.
Tạo thuận lợi hóa tối đa cho thương mại
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, để đảm bảo nguồn cung nông sản an toàn theo nhu cầu của thị trong nước các địa phương phải chỉ đạo, quản lý hoạt động sản xuất nông sản trên địa bàn theo đúng quy hoạch giảm thiểu tình trạng sản xuất tự phát, phá vỡ quy hoạch gây ra hiện tượng dư cung một số nông sản như thời gian qua.
“Đối với các nhà phân phối bán lẻ trong nước, cần có yêu cầu tương đối khắt khe để sản phẩm nhập vào đáp ứng được yêu cầu quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các nhà phân phối bán lẻ cần có kế hoạch hướng dẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đáp ứng được yêu cầu ngay từ lúc đầu để thuận lợi trong việc đưa hàng vào các kênh phân phối trong nước” - ông Đông lưu ý.
Ông Trần Duy Đông chia sẻ với các doanh nghiệp tại Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản ở Kiên Giang. |
Cung theo ông Đông, để tháo gỡ khó khăn tạo đầu ra ổn định, bền vững, hạn chế tình trạng bấp bênh về giá cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, logistics nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hóa tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động phân phối hàng hóa.
“Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối trong nước cũng như nước ngoài; tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu để thúc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản trong nước, đặc biệt tại các vùng sản xuất nông sản tập trung có sản lượng lớn như đồng bằng sông Cửu Long" - ông Đông chia sẻ thêm.
Bà Phạm Thị Linh – Giám đốc Thu mua Big C khu vực miền Bắc: Với góc độ là nhà phân phối bán lẻ, Big C luôn sẵn sàng đồng hành cùng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương trong các chương trình hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của các ngành hàng chủ lực. |