Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022 với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu bền vững |
Sự bắt tay giữa doanh nghiệp và nông dân
Tại Tây Nguyên, hình ảnh những vườn cà phê trồng xen canh hồ tiêu và sầu riêng đã trở nên quen thuộc xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Những khu vườn đa tầng, đa giá trị, hạn chế tình trạng bốc thoát hơi nước, nhờ vậy, cây cà phê phát triển xanh tốt mà không mất nhiều công chăm sóc, từ đó, bà con nâng cao hiệu quả kinh tế một cách đáng kể.
Vùng trồng cà phê bền vững tại Cư Suê |
Ông Đặng Dậu Thanh – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Cư Suê 2-9, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ, trước kia, nếu trồng độc canh, chúng tôi chỉ có thu nhập từ cây cà phê. Sau này, khi trồng xen canh với cây hồ tiêu và sầu riêng, chúng tôi có thêm nguồn thu nhập khác, không những thế, chúng tôi còn cải thiện được môi trường trong vườn.
Không chỉ vậy, dưới sự đỡ đầu của doanh nghiệp thu mua, hợp tác xã còn được tiếp cận với các dự án tài trợ của nước ngoài để trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại. Cà phê được phơi trong hệ thống nhà màng, tránh tối đa tác động của hiện tượng thời tiết ẩm mốc, chính vì vậy, mùa vụ của bà con nơi đây có thể kết thúc muộn hơn. Quy trình sơ chế cầu kỳ, mất nhiều công sức hơn, nhưng các thành viên trong hợp tác xã yên tâm về chất lượng cũng như đầu ra của sản phẩm bởi sự cam kết, bao tiêu của doanh nghiệp.
Hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nông được coi là mối liên kết then chốt để có thể chuyển đổi từ tư duy sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang nền kinh tế hàng hóa tập trung, là cơ sở để bà con giảm áp lực về tài chính, áp lực vay vốn tín dụng, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm giá trị cao, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu là một trong những chủ trương lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để từ đó có thể chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Song song với công tác này, việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ lao động, xây dựng và hình thành những người nông dân chuyên nghiệp là một trong những yêu cầu cấp thiết. Làm thế nào để nông dân được đào tạo và ứng dụng các kiến thức được đào tạo, sẵn sàng thay đổi tư duy và quy trình sản xuất của mình là vấn đề quan trọng.
Là một trong những doanh nghiệp bắt tay với nông dân trong công tác đào tạo để cùng nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi cách làm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ông Lê Đức Huy - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco) – chia sẻ, cách đây 15 năm, khi chúng tôi tiếp cận với bà con xã Cư Suê (huyện Cư M’gar), quy mô nông hộ rất nhỏ, chỉ 1 – 1,2ha, bà con nông dân chủ yếu làm theo thói quen, kinh nghiệm và ít áp dụng khoa học kỹ thuật. Thường thường sử dụng phân bón và nước không định lượng được, dẫn đến chất lượng không đồng đều.
“Khi tiếp cận bà con nông dân, không có hộ nào liên kết hộ nào, mạnh ai lấy làm. Trong khái niệm họ chỉ biết làm cà phê như là một mặt hàng hóa và không nghĩ rằng cà phê là một loại thức uống quan trọng nên cần phải đẩy mạnh chất lượng, hương đến nền nông nghiệp bền vững”, ông Lê Đức Huy cho hay.
Xác định chuỗi giá trị ngành hàng không phải chỉ đến từ mấy doanh nghiệp, không phải là từ nhà khoa học mà đến từ chính người nông dân. Chỉ có người nông dân thay đổi được chất lượng thì chất lượng mới có thể cải tiến được. Do đó, doanh nghiệp quyết tâm bắt tay cùng nông dân thực hiện.
Khi mới đầu tiếp cận, theo thói quen, người nông dân rất ngại thay đổi, tuy nhiên, khi chia sẻ trách nhiệm chung với ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định chất lượng nông sản Việt, khẳng định thương hiệu nông sản Việt, khơi gợi tinh thần yêu nước trong đó, chúng tôi bắt đầu hành trình tập hợp nông dân lại bằng các tổ hợp tác, hợp tác xã, sau đó hướng cho bà con nông dân các tập huấn, canh tác tiết kiệm theo hình thức giảm phân, giảm nước, giảm công chăm sóc, bán với giá cao hơn và tạo giá trị thặng dư mang lại giá trị cả về kinh tế và môi trường cho bà con nông dân.
“Với việc liên kết với doanh nghiệp, chi phí sản xuất của bà con giảm 15%, thu nhập tăng từ 15 - 20%. Điều này đồng nghĩa với thu nhập ròng tăng 30%. Từ những việc này, bà con nông dân rất hào hứng khi tham gia với doanh nghiệp”, ông Lê Đức Huy cho biết.
Cùng với việc giới thiệu các mô hình hợp tác xã này đến các thị trường thế giới, khi có cơ hội, chúng tôi cũng mời bà con nông dân đi các hội nghị, hội chợ, triển lãm cà phê trên thế giới để bà con thấy được người tiêu dùng rất đề cao vai trò của bà con nông dân - người quyết định thức uống của họ. Thông qua những chuyến đi này, những người trồng, người làm ra hạt cà phê tự nâng cao được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất tốt hơn, bền vững hơn và với làm với tâm thế chủ động hơn và hạnh phúc hơn. Từ đó, chính những người nông dân trồng cà phê Đắk Lắk đã mạnh dạn chuyển đổi.
Nói về vai trò của sự đồng hành của doanh nghiệp trong công tác liên kết, đào tạo nghề cho bà con nông dân, bà Đặng Thị Mộng Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm – cho hay, trong công tác đào tạo, việc phối hợp với doanh nghiệp là cần thiết và tất yếu, đây còn gọi là đào tạo kép.
Lý giải về việc này, bà Đặng Thị Mộng Quyên chia sẻ, trong quá trình tổ chức đào tạo của các trường nghề thì tỷ lệ lý thuyết chỉ chiếm 20 - 25%, còn lại 75 - 80% là thực hành. Trong thực hành này, gần như tất cả các trường không thể nào đầu tư cập nhật các trang thiết bị mà ở đây nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp. Việc phối hợp với doanh nghiệp để bà con, đề người học có thể tiếp cận được công nghệ hiện đại, cùng với nguyên liệu sẵn từ đó giúp nâng cao được tay nghề cho bà con.
“Với việc vào cuộc của các doanh nghiệp thì không chỉ người nông dân được học tập, được bồi dưỡng, rèn nghề mà còn có thể tuyển dụng việc làm cho bà con ngay vùng nguyên liệu của mình”, bà Đặng Thị Mộng Quyên nói.
Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp
Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững đồng nghĩa với việc thay đổi tư duy theo chuỗi giá trị. Công tác đào tạo nghề cho lao động tại khu vực này sẽ cần có những quy hoạch định hướng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như thích ứng được với sự linh hoạt thay đổi của thị trường.
Với việc liên kết với doanh nghiệp, chi phí sản xuất của bà con giảm 15%, thu nhập tăng từ 15 - 20%. Điều này đồng nghĩa với thu nhập ròng tăng 30% (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Bà Đặng Thị Mộng Quyên cho rằng, trong định hướng sắp tới, phải mạnh dạn trong việc tổ chức đào tạo theo hướng không chỉ tập trung vào một vài những kỹ thuật truyền thống mà phải mở rộng để đáp ứng được quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gồm thu mua và bảo quản nguyên liệu, vận chuyển, bao gói, marketing sản phẩm,… từ đó sẽ phát triển đa dạng ngành nghề và đáp ứng được nhu cầu khi các vùng nguyên liệu, các công ty và các hợp tác xã phát triển.
Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề. Doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình. Nổi bật trong đó là mô hình “trường trong doanh nghiệp”.
Ông Lê Đức Huy cho biết, mô hình này đã được doanh nghiệp triển khai trong 10 năm nay. Mỗi năm có khoảng 100 nghìn lượt nông dân được doanh nghiệp tổ chức đào tạo, như vậy ít nhất 1 nông dân sẽ được đào tạo 2 lần/năm với sự tham gia tập huấn, đào tạo của các chuyên gia, các thầy giáo trong và ngoài nước và ngay từ chính ban lãnh đạo doanh nghiệp. Lĩnh vực đào tạo cũng được phủ rộng, từ sản xuất, chế biến, tiếp thị, bán hàng,…
“Chúng tôi có chương trình nông dân hay xem mình là doanh nhân, khi đó nông dân học cách làm chủ và quyết định bài toán kinh tế cho mảnh vườn của mình”, ông Lê Đức Huy cho hay.
Theo các chuyên gia, để có một nền sản xuất chuyên nghiệp, thì chúng ta cần những người nông dân chuyên nghiệp. Hành trình đến với tri thức đã không chỉ đơn thuần gói gọn trong giảng đường lớp học, hành trình này đã và đang được những người nông dân hiện thực hóa. Cùng nhau lan tỏa để tạo nên những cộng đồng làm chủ, làm giàu, nhờ nghề nông.