![]() |
Bốc xếp hàng hoá tại Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong tháng 3/2017 ước đạt 119,8 triệu USD; lũy kế 3 tháng ước đạt 339,6 triệu USD, bằng 20,6% kế hoạch và tăng 8,98% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu là do một số mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng, như: than xuất khẩu 3 tháng ước đạt 217,2 ngàn tấn, trị giá xuất khẩu đạt 25,2 triệu USD; sơ, sợi dệt các loại tăng 46,9%; tùng hương, dầu thông tăng 5,6%; hàng dệt, may tăng 3,7%; xi măng tăng 32%; Wolfram tăng 24,7%; nến tăng 18,6%; thủy sản tăng 5,3%; dầu thực vật (tăng 9,2%)...
Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh trong tháng 3 ước đạt 101,2 triệu USD; lũy kế 3 tháng ước đạt 303,8 triệu USD, đạt 10,8% kế hoạch và giảm 10,6% cùng kỳ. Hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trị giá hàng qua kho ngoại quan trong tháng 3 ước đạt 241,8 triệu USD; lũy kế 3 tháng ước đạt 725,4 triệu USD, bằng 18,6% kế hoạch và tăng 2,11% cùng kỳ.
Có được những kết quả trên, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan tâm đến phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá xuất khẩu; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá và đẩy nhanh xã hội hoá dịch vụ logistics; đào tạo phát triển nguồn nhân lực… Trong đó chú trọng giải pháp phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước.
![]() |
Trung tâm điều hành sản xuất điện của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương II |
Bên cạnh đó, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời cũng là lợi thế để thu hút các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, các nhà đầu tư thường chưa thoả mãn với số lượng và chất lượng nguồn lao động. Vì vậy, Quảng Ninh quan tâm đến chiến lược đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao và có chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài, hình thành đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật có trình độ, đáp ứng được yêu cầu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông David Stone, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương cho biết: “Khi đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài của tỉnh. Do đó, những năm qua công ty đã tập trung sản xuất để tạo thu nhập ổn định cho người lao động”.
Cho biết những giải phát triển khai trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, Quảng Ninh cần đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ. Đồng thời xây dựng chính sách cụ thể và phù hợp về phát triển sản xuất trong nước, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ, dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Tỉnh cần kiến nghị Chính phủ phải xây dựng các hàng rào phi thuế quan phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam; cơ cấu hàng xuất khẩu cần được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để tăng nguồn hàng có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
![]() |
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cái Lân |
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu, không những cần gia tăng khối lượng hàng hoá xuất khẩu, mà quan trọng hơn là không ngừng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sử dụng nguyên liệu trong nước và cung cấp vật liệu, linh kiện cho các ngành sản xuất, lắp ráp thành phẩm.
Với lợi thế là vùng đất có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, thủ công mỹ nghệ có nhiều tiềm năng như đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gốm mỹ nghệ, than mỹ nghệ, tranh thêu… nhưng vẫn chưa phát huy được lợi thế, nên kim ngạch xuất khẩu vẫn còn ở mức thấp. Vì thế, tỉnh cần đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng để các cụm công nghiệp làng nghề phát triển mạnh. Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách tài chính để hình thành các doanh nghiệp làng nghề có quy mô đủ lớn chuyên sản xuất hàng hoá xuất khẩu nhằm các doanh nghiệp này sẽ là “đầu kéo” cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng hỗ trợ. Đây sẽ là bước đi đột phá để hàng thủ công mỹ nghệ của Quảng Ninh có thể vươn xa trong những năm tới đây.
Tin rằng, với những giải pháp cụ thể, phù hợp và sự tích cực của các doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Ninh sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, khẳng định được thương hiệu hàng hoá Việt Nam trên trường quốc tế.