Để gia tăng thị phần xuất khẩu mặt hàng TCMN, cần đầu tư cho thiết kế sáng tạo
CôngThương - Quá nhiều điểm yếu
Ông Tạ Hoàng Linh – Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương - cho biết, thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) và đồ nội thất của Việt Nam rất có tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm còn hạn chế về mẫu mã bao bì và công năng sử dụng; nhiều doanh nghiệp (DN) chưa chú trọng đến thiết kế sáng tạo. Ngoài ra, đội ngũ thiết kế còn thiếu và yếu về năng lực, khả năng tiếp cận thông tin thị trường cũng như xu hướng thiết kế của thế giới còn hạn chế nên đã làm ảnh hưởng đến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, cần có cơ chế chính sách ưu tiên cho thiết kế sáng tạo từ phía quốc gia bởi nó là động cơ tăng trưởng nền kinh tế. Cụ thể như vấn đề hỗ trợ đào tạo, tư vấn chuyên môn, bảo hộ quyền sở hữu, thuế...Bên cạnh đó, lãnh đạo DN cần đổi mới tư duy, đầu tư tài chính, con người cho công tác thiết kế sáng tạo. Có như vậy, sản phẩm TCMN mới đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng quốc tế. |
Đây cũng là nhận định của hầu hết chuyên gia trong nước và quốc tế tại Hội thảo “Thiết kế sáng tạo và tiếp cận thị trường hàng TCMN và trang trí nội thất châu Âu” do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội ngày 10/3/2014. Các ý kiến cho rằng dường như ít có sự thay đổi, hoặc thay đổi rất chậm trong khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các DN Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau trong cùng mặt hàng mà còn phải cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Anh Phan Văn Nam – nhân viên thiết kế của một chi nhánh công ty thuộc Hapro - cho biết: Hầu hết DN Việt Nam chủ yếu bán cái mà họ có hơn là cái mà khách hàng cần. Sở dĩ có điều này là do thiếu quan tâm đến nghiên cứu thị trường, nhận thức của lãnh đạo DN còn hạn chế, chưa chịu đầu tư cho công tác thiết kế sáng tạo. Còn theo bà Dương Thị Thanh Thủy – Giám đốc Công ty Thế giới Sơn mài, tâm lý chung của DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ là ngại khó, nhất là với những mẫu mã thiết kế sẵn mà đối tác nước ngoài gửi cho. Tại các thị trường châu Âu, Mỹ, xu hướng của người tiêu dùng là quan tâm đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, chất lượng an toàn nhưng mẫu mã, màu sắc phải đẹp và giá cả cạnh tranh.
Ưu tiên cho sáng tạo
Ông Adam Thow, Giám đốc Thu mua và Bán lẻ của South Bank Center- cho biết: Thiết kế sáng tạo là vấn đề sống còn của nhà sản xuất. DN của ông luôn có bộ phận nghiên cứu thị trường bằng nhiều phương pháp khác nhau từ các trung tâm bán lẻ, các sự kiện, lễ hội, chương trình nghệ thuật hàng năm, thông tin từ tạp chí... qua đó lên kế hoạch, dự đoán xu hướng tiêu dùng để thiết kế sản phẩm.
Đồng quan điểm này, bà Thủy chia sẻ: Qua nghiên cứu ở một số thị trường lớn trên thế giới, mặt hàng TCMN của nhiều nước trong khu vực đang gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu, làng nghề bị mai một, sản phẩm bị mất uy tín về chất lượng hoặc họ không có chủ trương phát triển loại mặt hàng TCMN. Do vậy, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để xây dựng chiến lược kinh doanh, sản xuất xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường.