Cần đầu tư cho chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu |
Nhiều thách thức
Khi AEC được thành lập, cơ hội cho mặt hàng nông sản rất lớn, bởi dư địa XK của nhóm mặt hàng này còn cao. Chưa kể, khoảng cách địa lý cũng giúp nông sản tăng sức cạnh tranh so với việc phải vận chuyển đến các thị trường xa hơn. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia Cơ chế một cửa ASEAN, giúp giảm thiểu tối đa thời gian thông quan cho hàng hóa, tạo thuận lợi lớn nhất cho DN XK.
Lộ trình giảm thuế trong AEC cũng giúp hàng hóa gia tăng sức cạnh tranh. Theo cam kết, cuối năm 2015, đã có có 1.434/1.539 dòng thuế nông sản và thủy sản quay về mức 0%; 123 dòng thuế ở mức 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm. Đến năm 2018, còn 55 dòng thuế giữ ở mức 5%. Với lâm sản và đồ gỗ, phần lớn trong số 149 dòng thuế đã giảm xuống mức 0%, 9 dòng thuế đồ gỗ và nội thất sẽ về 0% năm 2018. Các mặt hàng đang áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) như đường, trứng, muối và thuốc lá sẽ phải bỏ hạn ngạch trong ASEAN từ năm 2018 và sẽ áp dụng mức thuế suất 0 - 5%.
Việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp các mặt hàng tăng cao hơn nữa sức cạnh tranh khi XK. Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu (NK) cà phê từ Việt Nam của toàn thị trường ASEAN hiện chiếm khoảng 21% tổng số cà phê NK của thị trường này. Nhu cầu tiêu thụ cà phê cao, trong khi giá giảm theo cam kết giảm thuế của AEC sẽ giúp cà phê Việt nâng cao sức cạnh tranh so với cà phê của các quốc gia khác như: Brazil, Ấn Độ, Mexico… khi XK vào khu vực này.
Bên cạnh những thuận lợi, thách thức cũng không nhỏ, bởi lộ trình giảm thuế được thực hiện cho toàn khu vực. Nếu nông sản Việt có cơ hội XK đi các nước thì ở chiều ngược lại, nông sản của các nước cũng có thể tràn vào nước ta. Theo Bộ Công Thương, giá trị NK rau quả từ Thái Lan 7 tháng đầu năm 2016 đạt gần 163 triệu USD, chiếm 38,7% tổng kim ngạch NK rau quả của cả nước, tăng trên 70% so với cùng kỳ, làm dấy lên lo ngại sản phẩm Việt sẽ khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của quốc gia này ngay trên sân nhà và tại các thị trường khác.
Đầu tư để nâng sức cạnh tranh
Theo ông Trần Kim Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) - với phương thức sản xuất, thiết bị, công nghệ hiện nay, sản phẩm của DN Việt khó có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khối cả về giá và chất lượng.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn manh, giải pháp quan trọng nhất là DN không ngừng đổi mới áp dụng khoa học công nghệ; phát triển các sản phẩm chủ lực gắn kết với ứng dụng công nghệ để tăng năng suất và giảm giá thành.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Kim Khôi - Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) - cho rằng, cần thúc đẩy liên kết đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đó là giải pháp giúp XK nông sản bền vững sang khu vực AEC cũng như giúp hàng hóa Việt đứng vững ngay tại sân nhà.
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Việt Nam hiện là nước XK nông sản lớn trên thế giới với 10 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD/năm… Để duy trì và phát triển lợi thế này, chúng ta phải áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp. |