Thí điểm đấu giá biển số ô tô: Vướng mắc ở giá khởi điểm Lo người nghèo không có biển số đẹp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu gây tranh cãi |
Đấu giá biển số ô tô ở mức nào để tạo sự công bằng?
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 7/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về ‘’thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá".
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - đoàn Tiền Giang phát biểu tranh luận tại hội trường Quốc hội |
Bày tỏ tán thành cao với việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - đoàn Hà Tĩnh cho rằng, việc này nhằm đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý nhà nước về quản lý phương tiện giao thông; đáp ứng mong mỏi của người dân; hài hòa lợi ích cá nhân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã có tiến hành thí điểm về vấn đề này tại TP. Hải Phòng; các nước trên thế giới cũng có thực hiện việc đấu giá này…
Đại biểu cho hay, Nghị quyết đưa ra mức giá khởi điểm chung là 40 triệu đồng, không phân biệt vùng. Đây là quy định hợp lý, đảm bảo công bằng cho người đấu giá trên mọi miền tổ quốc. Quy định về cấp quyền đăng ký cũng phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân, tuy nhiên cần có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn, đảm bảo thuận tiện cho người dân.
Theo đại biểu đoàn Hà Tĩnh, cần quy định rõ, đưa tất cả các đầu số ra đấu giá, hay lựa chọn để đấu giá, nếu lựa chọn thì tiêu chí chọn các biển số đem đấu giá cần có quy định rõ ràng, cụ thể. Việc quy định tiêu chí càng cụ thể thì càng thuận tiện khi đưa vào áp dụng.
Về quản lý sử dụng nguồn thu qua đấu giá, khoản 3, Điều 5 quy định: Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số. Đại biểu đề nghị gộp khoản 3 Điều 5 vào khoản 3 Điều 7, với nội dung liệt kê các nội dung Chính phủ quy định, để đảm bảo sự nhất quán của dự thảo Nghị quyết.
Tranh luận về áp dụng giá khởi điểm của 1 biển số ô tô đưa ra đấu giá chung trong cả nước nên ở mức nào, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - đoàn Tiền Giang lại cho rằng, giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức thấp hơn.
Nêu lý do, đại biểu cho biết, thứ nhất, việc giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân hơn có thể quan tâm tham gia vào việc đấu giá để lựa chọn không phải là biển số “đẹp” (vì khái niệm “đẹp” tùy thuộc vào từng người và khác nhau ở từng miền) mà để hướng tới việc lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.
"Làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước" - đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu.
Thứ hai, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia để lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu sở thích của mình.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân. Theo thông tin trong Tờ trình của Chính phủ, người tham gia đấu giá tại Singapore nộp số tiền đấu giá ban đầu là 1000 USD.
"Nếu khởi điểm ở giá cao, rất nhiều người dân, những người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không được thực hiện cơ hội tham gia đấu giá để được sở hữu một biển số xe theo như mong muốn, sở thích của mình" - đại biểu Nguyễn Thanh Cầm bày tỏ.
Đấu giá biển xe ô tô qua hình thức trực tuyến
Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh cho biết, hoạt động đấu giá xe đã được tiến hành thí điểm tại Nghệ An và TP. Hải Phòng. Theo đó, với 10 biển số, Công an Nghệ An đã thu được 2,4 tỷ đồng bổ sung vào Quỹ Vì người nghèo, trong đó, biển số được đấu giá cao nhất là biển kiểm soát 37F9999 được bán với giá 700 triệu đồng, cao gấp 14 lần so với giá sàn được đưa ra là 50 triệu đồng. Công an Hải Phòng cũng từng tổ chức đấu giá biển số xe nhưng sau đó phải dừng gì vướng về quy định của pháp luật.
Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh phát biểu tại hội trường |
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, nghị quyết thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh, hoặc khác so với quy định của luật hiện hành. Do đó, đang có sự xung đột khi nghị quyết Quốc hội ban hành để giải quyết những vấn đề khác so với pháp luật hiện hành, đề nghị xử lý xung đột pháp luật về đấu giá tài sản và quản lý tài sản công.
Đại biểu đề nghị sửa đổi tên gọi của dự thảo nghị quyết là Nghị quyết thí điểm đấu giá lựa chọn quyền sử dụng biển số xe ô tô.
Tại khoản 2, Điều 2 dự thảo nghị quyết quy định trong thời gian thực hiện thí điểm Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có thông tin điện tử, đấu giá trực tuyến kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá, biển số đăng ký, biển số trúng giá trúng đấu giá theo quy định.
Đại biểu thống nhất với hình thức đấu giá biển xe ô tô qua hình thức trực tuyến, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ trong việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi đấu giá trực tuyến.
Tuy nhiên, do biển số xe là tài sản trong phục vụ quản lý nhà nước, biển số đưa ra đấu giá là biển số đăng ký nằm trong hệ thống đăng ký quản lý xe của bộ Công an nên khi tổ chức đấu giá phải kết nối hệ thống hoặc đăng ký quản lý xe của Bộ Công an với trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá và đăng ký, biển số trúng đấu giá.