Bắc Giang: Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp vào năm 2030 |
Lợi thế của Bắc Giang
Tỉnh Bắc Giang là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam, có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi với hệ thống đường bộ, đường sắt đồng bộ. Ngoài ra, Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nơi tập trung tiềm lực khoa học kỹ thuật của cả nước, đầu mối kinh tế đối ngoại, giao lưu kinh tế, khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư của cả nước, nơi tập trung đông dân cư, với tốc độ đô thị hoá nhanh và là thị trường tiêu thụ lớn, là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Bắc Giang là điểm đến đầu tư hấp dẫn, tin cậy, an toàn và triển vọng của các nhà đầu tư .Ảnh: BGP |
Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và mục tiêu phát triển công nghiệp nói riêng.
Để xây dựng hình ảnh tỉnh Bắc Giang là điểm đến đầu tư hấp dẫn, tin cậy, an toàn và là triển vọng của các Nhà đầu tư, tỉnh Bắc Giang luôn thực hiện thống nhất phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật cho các nhà đầu tư.
Theo đó, thời gian qua, Bắc Giang đã tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch. Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch nhằm cụ thể hóa từng nhiệm vụ mà Nghị quyết đã nêu và đã giao 73 nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện cụ thể cũng như định kỳ hàng năm.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tập trung cao cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ để phục vụ thu hút đầu tư. Trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông trọng điểm, trọng tâm là các tuyến đường tạo không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp (chợ, trường học, nhà ở công nhân); hạ tầng thủy lợi trọng yếu; hạ tầng đô thị và du lịch, hạ tầng giáo dục và y tế thiết yếu, hạ tầng công nghệ thông tin - công nghệ số...
Tỉnh còn tập trung cao, quyết liệt giải quyết tốt các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, như: Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết nhằm cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đặc biệt, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh luôn chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc gặp mặt, đối thoại trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh. UBND tỉnh sẵn sàng thành lập các Tổ công tác để hướng dẫn và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp FDI gặp phải.
Nhờ đó, năm 2022, Bắc Giang bứt phá vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố xếp hạng chỉ số PCI với điểm số ấn tượng là 72,8. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh khi thứ hạng cải thiện 29 bậc và tăng 8,06 điểm so với PCI năm 2021. Chỉ số PAR INDEX năm 2022 Bắc Giang đạt 88,54/100 điểm, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm trước. Chỉ số SIPAS xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố).
10 tháng đầu năm 2023, trong các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang thu hút đầu tư được 66 dự án mới, trong đó có 58 dự án FDI và 08 dự án DDI, với số vốn đăng ký đạt 1.1367,75 triệu USD và 1.012,85 tỷ đồng.
Đồng thời cấp điều chỉnh cho 189 dự án, trong đó có 42 dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm 372,98 triệu USD và 560.25 tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký đầu tư cấp mới và bổ sung quy đổi đạt khoảng 1.807,66 triệu USD.
Đến nay, tổng số các dự án đầu tư trong các KCN là 486 dự án, trong đó có 371 dự án FDI, 115 dự án DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,890 tỷ USD và 18.196 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 7,053 tỷ USD và khoảng 11.704 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai các chính sách thu hút đầu tư
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục có các chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI gắn với phát triển bền vững; trong đó tập trung hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp” với những định hướng chính như tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc xác định vùng động lực, sản phẩm chủ lực; kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động…
Song song với đó, tỉnh Bắc Giang nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang hướng tới mô hình “Hệ sinh thái công nghiệp” trong giai đoạn tới. Cụ thể, gắn kết khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với khu đô thị, khu dịch vụ, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại (cấp thoát nước; bãi đỗ xe; cây xanh; công trình xử lý môi trường; không gian sinh hoạt cộng đồng; các khu dịch vụ; vui chơi giải trí...). Quan tâm phát triển các dịch vụ hậu cần tại các khu, cụm công nghiệp như logistics, ngân hàng, hải quan, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… với các dịch vụ tiện ích khác biệt, tạo ra môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động cả trong và ngoài nước làm việc tại tỉnh. Qua đó, tạo thành một hệ sinh thái công nghiệp bền vững.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, kết nối giữa các tuyến đường tỉnh với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai; hạ tầng phát triển công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư; hạ tầng đô thị để đẩy mạnh phát triển dịch vụ và là trung tâm phát triển các khu vực, tiểu vùng; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; phát triển hạ tầng xã hội bảo đảm nhu cầu xã hội và đẩy mạnh phát triển dịch vụ xã hội.
Đặc biệt tỉnh Bắc Giang phấn đấu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao. Thực hiện liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn và mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng trong hoạt động giới thiệu việc làm. Nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng cả số lượng và chất lượng đảm bảo cho nhu cầu thị trường với cơ cấu hợp lý.