Bộ Công Thương: Phát huy hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực |
Theo Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương, thực hiện nhiệm vụ định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương, vụ đã tập trung hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc bộ, xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển trường; xây dựng danh mục ngành nghề đặc thù, danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại; phối hợp xây dựng kế hoạch hợp tác giữa Bộ Công Thương với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp, thương mại. Các nhiệm vụ liên quan đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại các đề án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia cũng đã được triển khai thực hiện.
6 tháng đầu năm, công tác đào tạo ngành Công Thương được triển khai khá toàn diện |
Về công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn của cán bộ công chức, viên chức, vụ đã tập trung vào công tác đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn trong nước. Theo đó, từ tháng 1 - 5/2022, bộ đã thông báo, thẩm định hồ sơ và ra quyết định cử hơn 200 lượt cán bộ công chức tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng. Còn đào tạo bồi dưỡng dài hạn, đào tạo sau đại học trong nước, trong 5 tháng đầu năm có 5 công chức được cử đi học; về đào tạo cao cấp lý luận chính trị, sau khi được Ban Tổ chức Trung ương giao chỉ tiêu xét tuyển năm 2022, bộ đã tổng hợp danh sách cán bộ công chức đăng ký đi học và rà soát để gửi các học viện chính trị với số lượng đề xuất xét tuyển 85 chỉ tiêu.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch, công tác về đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Công Thương được đánh giá đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, Theo Vụ Tổ chức Cán bộ, vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, sau khi các địa phương giải tán khu cách ly và trả lại cơ sở vật chất cho các trường thì hầu hết nhà cửa, thiết bị của trường đều xuống cấp, hỏng hóc, không đảm bảo chất lượng dạy học hoặc cho sinh viên nội trú sinh hoạt. Hiện, các trường cũng đều đang gặp khó khăn trong cân đối nguồn sửa chữa, nâng cấp các cơ sở này.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ theo chương trình, đề án, dự án đầu tư chậm tiến độ giao vốn do quy trình phê duyệt kế hoạch vốn đến tháng 6 mới ra thông báo, ảnh hưởng đến tiến độ giao kinh phí, thực hiện và giải ngân. Đặc biệt, bộ có mạng lưới Thương vụ và Trung tâm Xúc tiến thương mại, trưng bày hàng hóa sản phẩm Việt Nam ở 53 nước và vùng lãnh thổ với khoảng 140 công chức. Song do điều kiện công tác xa, các công chức ít được học tập, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước,... Ngoài ra, bộ đã tiếp nhận 5.488 công chức quản lý thị trường về bộ từ năm 2018, đặt ra yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng tăng đột biến 5,4 lần về số lượng nhưng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm không tăng theo nhu cầu.
Trước thực tế đó, Vụ Tổ chức Cán bộ đề xuất, kiến nghị: Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của bộ trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại; tạo ra tác động tương hỗ và đảm bảo việc phát triển nguồn nhân lực đúng định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Đồng thời, bố trí ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành nghề đào tạo trình độ đại học. Mặt khác, cần bố trí kinh phí cho các trường sửa chữa, phục hồi các cơ sở vật chất được địa phương trưng dụng trong phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn vừa qua…
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thành việc xây dựng, trình ban hành các đề án, kế hoạch hành động,... về phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương; kết nối hỗ trợ, thúc đẩy các trường hợp tác với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để xác định kế hoạch, yêu cầu tuyển dụng, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu. |