Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi những vướng mắc trong quá trình đào tạo và tuyển dụng nhân sự cho ngành logistics tại Việt Nam. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đa phần sinh viên mới ra trường thường thiếu kiến thức kỹ năng mềm và không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại. Đáng nói hơn, theo xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, muốn sử dụng được tất cả các phần mềm, máy móc hiện đại thì người lao động cần phải thông thạo tiếng Anh. Tuy nhiên đây vẫn là rào cản lớn hiện nay vì đa số sinh viên Việt Nam đều yếu tiếng Anh.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Chi nhánh của Công ty TNHH Quốc tế Delta- chia sẻ, với thực trạng hiện nay của các sinh viên, doanh nghiệp khi tuyển dụng như “đi vớt cá” bởi trong số hàng chục hồ sơ ứng tuyển thì chỉ có vài ứng viên đáp ứng được yêu cầu công việc. Bà Huyền cho rằng các trường đại học nên có những chương trình đào tạo thiết thực, đáp ứng được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp logistics.
Các doanh nghiệp chia sẻ những điểm yếu của sinh viên khi làm trong lĩnh vực logistics |
Dẫn ví dụ cụ thể, bà Vũ Thị Phương Lan, CEO Công ty CP Giao nhận vận tải Mỹ Á - Trưởng Ban đào tạo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - cho hay, doanh nghiệp của bà Lan cần tuyển dụng 20 lao động có kiến thức về thương mại điện tử để làm việc với tập đoàn Alibaba. Tuy nhiên, khi đăng thông tin tuyển dụng công ty chỉ chọn được 80 ứng viên có hồ sơ phù hợp và trong số này chỉ chọn được 3 ứng viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà Alibaba cần.
Một số doanh nghiệp khác thì cho rằng, một sinh viên mới ra trường dù có bằng nọ bằng kia rất tốt nhưng kỹ năng vi tính lại kém và không thể làm việc ngay được. Có trường hợp doanh nghiệp đào tạo cho sinh viên thực tập bài bản nhưng khi kết thúc thực tập sinh viên lại không gắn bó mà chuyển qua đơn vị khác làm. Thậm chí các trường gửi sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp nhưng đề tài thực tập lại rất chung chung khiến doanh nghiệp không biết bố trí thực tập ở vị trí nào cho phù hợp.
Tuy nhiên, không phải trường đại học nào cũng đào tạo sinh viên thiếu thực tế, TS Hà Thị Ngọc Oanh, Chủ nhiệm bộ môn kinh doanh quốc tế của Trường đại học Hoa Sen- cho hay, để sinh viên ra trường được tuyển dụng ngay nhà trường đã thiết kế riêng chương trình đào tạo và giáo trình cho lĩnh vực logistics. Bản thân TS Hà Thị Ngọc Oanh cũng luôn phải theo sát quá trình thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, đưa ra lời khuyên cho các em. Đối với trường hợp sinh viên sau đào tạo không gắn bó, TS Oanh cho rằng doanh nghiệp cũng cần phải xem lại chế độ đãi ngộ của mình có tốt chưa, mức lương đưa ra có hợp lý không…
Từ những thực tế trên, bà Vũ Thị Phương Lan nêu ý kiến: Muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao các trường phải xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với ngành logistics, phải định hướng cho sinh viên. Về phía doanh nghiệp khi tuyển dụng phải định hướng cho các em để các em biết ngành logistics như thế nào, các kỹ năng nào cần phải học; Cuối cùng việc ký cam kết giữa nhà trường với doanh nghiệp phải đươc thực hiện thì mới đi vào hiệu quả (thực tế trong số 11 biên bản ký kết hợp tác giữa các trường với doanh nghiệp thuộc VLA với Viện logistics năm 2017 thì chỉ có 7 trường triển khai).