Vẫn còn nhiều hạn chế
Thời gian qua, nhận thức được yêu cầu mới, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương đã đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo NNL. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng đào tạo NNL của các trường vẫn còn nhiều hạn chế, như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa bắt kịp tốc độ phát triển khoa học công nghệ kỹ thuật hiện đang áp dụng trong các nhà máy, doanh nghiệp (DN); đội ngũ giảng viên thiếu kinh nghiệm thực hành ứng dụng do không được cập nhật thường xuyên thực tế sản xuất, kinh doanh; chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, chưa chú trọng vào kỹ năng thực hành…
Liên kết đào tạo là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng |
Thực tế trên là nguyên nhân làm hạn chế chất lượng đào tạo NNL có kỹ thuật, trình độ, kỹ năng, kỷ luật lao động đáp ứng yêu cầu thực tế của DN. Để khắc phục vấn đề này, trong 3 năm gần đây, các Trường của Bộ cũng đã chủ động, tích cực kết nối các DN. Tuy nhiên, mối quan hệ hai bên vẫn còn lỏng lẻo, tập trung trong một số hoạt động rời rạc, riêng lẻ và ngắn hạn; DN hợp tác chủ yếu với các trường lớn, có thương hiệu; việc hợp tác chưa có sự gắn kết chặt chẽ về chiều rộng, chiều sâu và có tính hệ thống, có tổ chức và quy mô. Do đó, chất lượng đào tạo NNL còn chưa theo kịp sự yêu cầu phát triển ngành.
Trong giai đoạn tới, việc đào tạo NNL chất lượng cao đặt ra yêu cầu và thách thức mới cho các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương, đó là: Phải chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động, dự báo được nhu cầu NNL; phải thay đổi nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, của DN nhằm xây dựng NNL có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới; phải đẩy mạnh hợp tác với DN nhằm tạo ra hệ sinh thái được xây dựng bởi sự liên kết, chuyển giao ba bên giữa DN, nhà trường và người học nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo về kỹ thuật, công nghệ…
Đòn bẩy liên kết
Trước yêu cầu về đào tạo NNL chất lượng cao của ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã thành lập Nhóm nghiên cứu, Phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì tiến hành xây dựng Đề án “Chương trình liên kết đào tạo NNL chất lượng cao ngành Công Thương giữa các trường thuộc Bộ Công Thương và DN trong bối cảnh CMCN 4.0”. Mục tiêu của Đề án là phát triển mối liên kết giữa các trường thuộc Bộ Công Thương và DN trong đào tạo gắn với việc làm tạo ra NNL có chất lượng cho các ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2021-2030, đáp ứng và tận dụng được cơ hội từ cuộc CMCN 4.0; thúc đẩy công nghiệp hóa-hiện đại hóa và phát triển bền vững của ngành Công Thương.
Ngoài ra, mục tiêu Đề án hướng tới là hình thành chương trình liên kết đào tạo học việc từ nhà trường đến DN trong đó DN đồng hành với trường trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh - tuyển dụng, xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đánh giá tốt nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng NNL đáp ứng yêu cầu thực tế. Tạo môi trường bình đẳng, hợp tác cùng chia sẻ nguồn lực và đem lại lợi ích cho các bên, thu hút khối tư nhân, DN và các nguồn lực bên ngoài đầu tư dưới nhiều hình thức cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp để đào tạo mới và đào tạo lại người lao động của ngành có khả năng ứng phó với sự thay đổi công nghệ dưới tác động của CMCN 4.0.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, sau khi Đề án được thông qua, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào việc tạo môi trường thuận lợi cho sự gặp nhau giữa cung và cầu NNL, như: xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo nhu cầu lao động trong CMCN 4.0 và định hướng phát triển NNL; công khai thông tin ngành nghề, quy mô đào tạo, năng lực cung ứng nhân lực sau đào tạo của các trường với các bên tuyển dụng; xây dựng sàn giao dịch đào tạo NNL theo địa chỉ của DN, theo vị trí việc làm,…; đề xuất tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách; hỗ trợ kết nối DN với các trường; khai thác tối đa mọi nguồn lực cho phát triển NNL chất lượng cao ngành Công Thương....
Đồng thời, các đơn vị chuyên môn khác của Bộ (các Vụ Thị trường trong và ngoài nước, Cục Công nghiệp,…) cũng sẽ hỗ trợ các Trường kết nối với các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để phát triển mối quan hệ hợp tác win-win. Đặc biệt, các Tập đoàn, Tổng công ty, DN hoạt động trong ngành công nghiệp và thương mại cũng phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đào tạo NNL qua các hành động cụ thể như: chia sẻ thông tin về nhu cầu nhân lực trong tương lai (cả số lượng và chất lượng) và chủ động tham gia Chương trình liên kết đào tạo trong nhiều khâu của quá trình tuyển sinh- đào tạo- tuyển dụng.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các Trường trong việc chủ động nghiên cứu, thiết lập các mô hình hợp tác giữa các trường với nhau, giữa các trường với DN nhằm khai thác tối đa năng lực của từng chủ thể trong mối liên kết đào tạo - tuyển dụng, giải quyết bài toán chất lượng NNL đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. |