Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức: Cần bám sát thực tiễn Cần thêm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động yếu thế |
Tăng về số lượng
Báo cáo chuyên đề về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây cho thấy, đến nay, ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp khá đa dạng. Hiện, có 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, thuộc 65 nhóm ngành, nghề ở 23 lĩnh vực, bao phủ mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước.
Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm. Ảnh: Molisa.gov.vn |
Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tuyển sinh đạt 11.077 ngàn người, bằng 103% kế hoạch, tăng hơn 21% so với giai đoạn 2011-2015. Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2011 - 2020 đạt 19,67 triệu người; trong đó, trình độ cao đẳng đạt 1,945 triệu người (chiếm 9,8%), trung cấp đạt 2,3 triệu người (chiếm 11,86%), số người thuộc nhóm dân tộc thiểu số chiếm khoảng 7,5% và nữ chiếm 25,5%.
Giai đoạn 2021 - 2023, số lượng tuyển mới trình độ cao đẳng, trung cấp là 1.176.688 người (năm 2021 đạt 375.108 người, năm 2022 là 394.881 và năm 2023 đạt 406.699 người); số tốt nghiệp 3 năm 2021 - 2023 trình độ cao đẳng, trung cấp là 896.252 người.
Tính đến tháng 6/2024, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 1.878; trong đó có 392 trường cao đẳng, 428 trường trung cấp, 1058 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Dạy nghề thường xuyên. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, ước thực hiện tuyển sinh 1.042.000 người, đạt 42,88% kế hoạch...
Kết quả nêu trên cho thấy, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng qua từng năm. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), một trong những nguyên nhân khiến số lượng người học nghề tăng mạnh là các trường cao đẳng, trung cấp đã tận dụng nền tảng mạng xã hội để tiếp cận người học, tư vấn, hướng nghiệp để người học thấy được lợi thế của đào tạo nghề. Bên cạnh đó, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp được đẩy mạnh khiến quan điểm học đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp được lan tỏa sâu rộng...
Không chỉ về số lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp cũng từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động: Khoảng 80% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế (tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%, vượt 9,3%).
Ở một số nghề (hàn, cơ điện tử, viễn thông, logistic, du lịch, dầu khí…) đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm
Các nước trên thế giới xem đào tạo giáo dục nghề nghiệp là chiến lược phát triển kinh tế toàn diện và đưa ra con đường phát triển giáo dục nghề nghiệp dài hạn. Việt Nam cũng đã đưa vấn đề giáo dục nghề nghiệp vào luật, chính sách phát triển dài hạn và đang học tập những ưu điểm từ mô hình các nước tiên tiến.
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam về việc: “Đề nghị tổ chức đào tạo nghề cho người lao động phải gắn với giải quyết việc làm và đáp ứng với nhu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp trong khu cụm công nghiệp tại địa phương; tập trung đào tạo công nhân có tay nghề cao, có kỹ năng và tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động tại các nước phát triển”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là chủ trương chỉ đạo xuyên suốt của Bộ.
Từ năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững để xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp hoạt động hàng năm, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với việc sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Với chủ trương coi doanh nghiệp là môi trường đào tạo thứ hai ngoài nhà trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo và khuyến khích mô hình các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho người học ngay khi ra trường, hoàn trả học phí nếu không bố trí được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo…
Thực tế, "bức tranh" giáo dục nghề nghiệp đã có sự thay đổi tích cực; số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng; giáo dục nghề nghiệp chuyển dần từ đào tạo theo những gì mình có ở trường lớp chuyển sang hệ thống đào tạo mở và linh hoạt...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, giáo dục nghề nghiệp còn không ít bất cập. Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội diễn ra không lâu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều; việc thu hút học sinh vào trường nghề không dễ dàng; có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo...
Để khắc phục hạn chế, góp phần nâng cao năng suất lao động, giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới, việc đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định; cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao; hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến vấn đề tất yếu là thị trường lao động, thế giới việc làm 4.0 và giáo dục nghề nghiệp phải đi theo 4.0, trong đó kỹ năng số hết sức quan trọng. Kỹ năng này không thể học được trong ngày một, ngày hai mà phải được tích hợp trong các yêu cầu về chương trình, tài liệu đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuẩn đầu ra, quan trọng nhất là kỹ năng giảng dạy của giảng viên. |