Bảo vệ thương hiệu: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” |
Thương hiệu là linh hồn của doanh nghiệp. Nếu mất thương hiệu, không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường. Đây là chia sẻ của ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Theo một số thông tin gần đây, nhiều nông sản, mặt hàng của Việt Nam đã bị doanh nghiệp các nước như Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu trước. Ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp, địa phương, các ngành chức năng trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ cho nông sản Việt, hàng Việt?
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) |
Theo thống kê, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Trong vòng 5 năm qua, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp đã tăng gần 50%, từ 37.300 đơn lên 55.600 đơn. Tương tự số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng gấp đôi từ 105 đơn lên 269 đơn.
Tuy nhiên, có thể thấy so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vô cùng lớn ở nước ta hiện nay với gần 800.000 doanh nghiệp thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vẫn còn chưa tương xứng.
Các doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đầy đủ ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ nên doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở thị trường nước ngoài. Vì thế, doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu tốt có nhu cầu xuất khẩu cần chủ động xin bảo hộ tại nước ngoài.
Như vậy, theo ông doanh nghiệp cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho vấn đề xây dựng thương hiệu, để hàng hóa Việt vươn ra "biển lớn"?
Nếu doanh nghiệp nào đang có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài, cần tiến hành đăng ký thương hiệu ngay. Đó chính là cách duy nhất để doanh nghiệp không rơi vào tình huống phải đi kiện tụng sẽ rất tốn kém thời gian, tiền bạc.
Ảnh minh họa |
Chi phí đăng ký thương hiệu ra nước ngoài ban đầu có thể khá cao so với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp nhưng không đáng là bao khi so sánh với chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra nếu rơi vào tình huống phải đi kiện tụng để lấy lại thương hiệu.
Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng dẫn đến những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Và để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt, không còn cách nào khác các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững trong thị trường cả trong nước và quốc tế.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sang các nước trên thế giới, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định. Ông có lưu ý gì thêm trong vấn đề này?
Khi đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho việc sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu là do sự khác biệt quy định pháp luật về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và các nước.
Tôi rút ra được một số bài học, đó là: Nghiên cứu các quy định của nước đăng ký, chuẩn bị hồ sơ một cách tốt nhất. Với các loại dự án hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài nói chung, cần xác định có thời hạn dài hơn, tránh việc phải gia hạn dự án nhiều lần.
Đồng thời, các khâu phê duyệt dự án, thẩm định tài chính, tổ chức tuyển chọn, đấu thầu phải được thực hiện nhanh hơn, tránh kéo dài ảnh hưởng đến thời gian của dự án. Từ bài học kinh nghiệm đăng ký chỉ dẫn địa lý sang Nhật Bản, chúng tôi thấy vấn đề kinh phí là một thách thức rất lớn, do đó, địa phương cần lên phương án rõ ràng về kinh phí khi tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.
Đặc biệt, chúng ta cần có sự vào cuộc và phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, bởi đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài là loại công việc phức tạp, vì vậy, rất cần sự vào cuộc của tất cả các đơn vị/tổ chức/cá nhân có liên quan.
Xin cảm ơn ông!