Muôn vàn cách xâm phạm
Sâm nhung bổ thận trung ương 3 của Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 là sản phẩm khá quen thuộc với nhiều người dân. Tuy nhiên, nếu không để ý, khách hàng dễ mua nhầm phải sản phẩm của đơn vị khác sản xuất với tên gọi “sâm nhung bổ thận trung ương 2”. Chỉ thay đổi một con số gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là một chiêu thức không hề mới của các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua |
Tại tọa đàm “Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hóa”, Giám đốc Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) - ông Nguyễn Công Suất - từng chia sẻ: Sau khi dầu gấc Vinaga ra đời 3 - 4 năm thì có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Họ chỉ thêm bớt chính tả vào tên thương hiệu trong khi vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc bao bì… Đơn cử như việc chỉ thay thế chữ N bằng chữ T, như dầu gấc Vitaga.
Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội - cho biết, hiện nay, các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng bị xâm phạm nhãn mác nhiều nhất. Không riêng trường hợp của Vinaga mà nhiều sản phẩm khác bị nhái. Những sản phẩm nhái nhãn mác tràn lan tại các chợ bán buôn thuốc trên địa bàn Hà Nội như Hapulico hay chợ thuốc Ngọc Khánh.
Doanh nghiệp chưa lưu tâm
Lý giải nguyên nhân của tình trạng xâm phạm quyền SHTT, ông Đỗ Nguyên Khôi - Giám đốc thương hiệu, Công ty Richard Moore Associates - cho rằng, các DN Việt Nam trong quá trình xây dựng phát triển sản phẩm đã quên đi vấn đề bảo hộ thương hiệu, không có nguồn lực đảm bảo SHTT, gây ra tình trạng, công ty làm thương hiệu uy tín chất lượng nhưng DN làm giả, làm nhái lại được lợi.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội - cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 230.000 DN, trong đó 97 - 98% là DN nhỏ và vừa, nhưng có hơn 50% DN mù mờ về các quy định liên quan đến SHTT, có DN thờ ơ không đăng ký SHTT, có DN đã đăng ký nhưng khi bị vi phạm thì không biết trình tự, cách thức xử lý như thế nào.
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, quy trình bắt buộc là phải có đơn khiếu nại của chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm thì cơ quan chức năng mới có thể kiểm tra, xử lý. Bởi vì thương hiệu là tài sản của DN, nếu DN yêu cầu điều tra do bị xâm phạm thì cơ quan chức năng mới có thể vào cuộc. Chính vì thế, trước khi có sự tích cực của các đơn vị quản lý thì DN phải là nhân tố chủ động.
Ông Đỗ Nguyên Khôi cho rằng, để đẩy lùi tình trạng hàng giả hàng nhái, DN cần đăng ký quyền SHTT, có chiến lược phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu. Đối với người tiêu dùng, cần tìm hiểu kỹ sản phẩm, sau đó nên chọn lựa địa chỉ mua hàng uy tín.
Năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT. Trong đó có 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền SHTT; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá. |