Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng và lan ra một số địa phương, các đơn hàng về khẩu trang có dấu hiệu tăng lên. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo các doanh nghiệp sẵn sàng sản xuất khẩu trang khi thị trường có yêu cầu. “Qua đợt dịch vừa rồi, các đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc sắp xếp chuyển đổi từ sản xuất quần áo qua làm khẩu trang, do đó chúng tôi không gặp khó khăn gì” – ông Cao Hữu Hiếu cho biết.
Đảm bảo đủ khẩu trang phục vụ người tiêu dùng |
Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại chủ yếu sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, trong khi đó nhu cầu lớn nhất lại là khẩu trang y tế.
Riêng với khẩu trang vải kháng khuẩn, Tập đoàn cam kết với Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sẽ cung cấp đủ theo yêu cầu cho thị trường.
Khi Việt Nam bùng phát đợt dịch lần 1, nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy một số cơ hội ở các thị trường ngách như: sản xuất khẩu trang vải, quần áo bảo hộ chuyên dụng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Ngay thời điểm dịch, vào tháng 2, Vinatex và các doanh nghiệp trong hệ thống đã chuyển đổi sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn để sản xuất, cung ứng hàng trăm nghìn khẩu trang. Cuối tháng 3, các doanh nghiệp tiếp tục đưa ra thị trường dòng sản phẩm mới - khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp. Ngoài ra, Vinatex cũng sản xuất quần áo bảo hộ sau khi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn, công suất khoảng 50.000 bộ/ngày.
Hiện nay, Vinatex đã tổ chức năng lực sản xuất để có thể đạt tới 100 triệu khẩu trang/tháng, phục vụ lâu dài công tác phòng chống dịch trong nước và nước ngoài. Khẩu trang phòng dịch Vinatex, với chất liệu sợi và công nghệ dệt được xử lý đặc biệt giúp cho vải mềm, thoáng, đáp ứng nghiêm ngặt theo Hướng dẫn số 870/QĐ-BYT về các yêu cầu kỹ thuật khẩu trang vải phòng dịch tại cộng đồng.
Ngoài khẩu trang, ông Hiếu cho biết, hiện nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn gần như đã trở lại bình thường, các đơn hàng truyền thống dệt may đã được đưa vào sản xuất. Khi dịch bùng phát trở lại thì hoạt động ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng qua đợt dịch trước thì các đơn vị đã có kinh nghiệm để xử lý. Trong những tháng đầu năm, số lượng đơn hàng đã bị ảnh hưởng, bây giờ là thời gian các đơn vị đang cố gắng “tăng tốc” để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Về biện pháp, các đơn vị vẫn phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phòng chống dịch để không bị gián đoạn, vì ngành dệt may không giống các ngành khác, khi đơn hàng đã ký rồi là phải trả đúng hạn. Bản thân khách hàng trong bối cảnh chung của thế giới, đó là đang bị dịch bệnh nên cũng có những thông cảm, chia sẻ nhất định. Những trường hợp bất khả kháng, hai bên sẽ ngồi lại với nhau để thương thảo và gia hạn thời gian giao hàng.